Cho dù sự việc tại buổi lễ đính hôn có thể tới tai anh ta, nhưng xét bản chất Khâu Tự Phong mà nói, cũng không đến mức khép nép nói chuyện với mình để thể hiện ý tốt. Rốt cuộc là đã xảy ra chuyện gì nhỉ?
Hạ Tưởng nghĩ vậy liền vội vàng nói:
– Chủ tịch huyện Khâu nói quá lời rồi, tôi làm phụ tá cho ngài, vẫn nghiêm túc chấp hành sự bố trí công tác của Huyện uỷ và Uỷ ban nhân dân huyện. Có lẽ vẫn còn có chỗ chưa được hoàn thiện nhưng khẳng định là tôi và ngài đều làm hết sức mình rồi, cho dù có chút mâu thuẫn thì cũng chỉ là phương pháp thích hợp nhưng quan điểm bất đồng mà thôi. Cũng không có chuyện gì đáng để ngài phải nói vậy đâu?
Nếu là vì sự việc của Liên Nhược Hạm thì cứ để tự nó diễn ra đừng nói gì cả, Hạ Tưởng sẽ không chủ động nói ra. Hắn đoán không ra ý định đến đây của Khâu Tự Phong, chỉ còn biết chờ chính mồm anh ta nói ra mà thôi.
Khâu Tự Phong đã khó trả lời, lại có thêm nỗi khổ không nói nên lời.
Trong dịp lễ Quốc khánh, anh ta về Bắc Kinh một chuyến, tìm cách mở hướng đi nhanh nhất cho Tỉnh Yến, nhưng lại nghe được tin tức làm người ta khiếp sợ: cục diện tỉnh Yến sẽ có khả năng thay đổi lớn!
Ở Bắc Kinh, Khâu gia có thế lực nằm ở Quốc vụ viện và Quốc hội. Cấp trên của Khâu gia mơ hồ để lộ ra xu hướng có khả năng Cao Thành Tùng phải dời đi, cụ thể sắp xếp như thế nào phía Bắc Kinh còn chưa thống nhất, không ngờ đã cãi nhau kịch liệt. Bọn họ chia thành hai phái không bên nào nhường bên nào: một bên là những người muốn bảo vệ Cao Thành Tùng và một bên là những người phản đối Cao Thành Tùng. Tuy nhiên nghe nói có một nhân vật mấu chốt tại tỉnh Yến đang được đề cử.
Trên cơ bản có thể khẳng định là sẽ có sự thay đổi đối với Cao Thành Tùng. Kết quả cuối cùng thế nào, bây giờ khó mà nói được. Có thể Cao Thành Tùng trở mình lại được, có thể ông ta sẽ bị hạ bệ, điều đó phải đợi xem kết quả chiến đấu của hai thế lực.
Cao Thành Tùng có bị hạ bệ hay không, Khâu gia không có ảnh hưởng lớn mấy vì Khâu gia chỉ có quan hệ bình thường với Cao Thành Tùng. Khâu gia cũng không mấy để ý đến việc đi hay ở của Cao Thành Tùng, nhưng nghe nói lão tam nhà họ Ngô là Ngô Tài Giang đang hoạt động, theo dõi vị trí Trưởng ban Tổ chức cán bộ tỉnh Yến. Điều này đã khiến Khâu gia lo lắng, cũng khiến Khâu Tự Phong nghe được thì trong lòng cũng không yên tâm.
Việc Ngô Tài Giang có thể lên tới chức trưởng ban Tổ chức cán bộ tại tỉnh Yến vốn là một tin tức có lợi. Nhưng Khâu Tự Phong đến Bắc Kinh mới biết được Ngô gia diễn kịch với Khâu gia và bị Ngô gia lợi dụng!
Ban đầu anh ta mơ hồ cảm thấy được chính là sự việc của Liên Nhược Hạm: Ngô gia đã lợi dụng Khâu gia. Bởi vì ở chuyện cưới xin, lúc trước Ngô gia chủ động một cách thái quá, nhưng sau này họ lại cũng tiêu cực một cách thái quá. Mặc dù Ngô gia đã ra tay đối phó với Hạ Tưởng nhưng Ngô gia lại tự nhận là bị mất thể diện và không có quan hệ gì với Khâu gia nữa.
Chưa cần nói Ngô gia có thế lực lớn hơn thế lực Khâu gia rất nhiều, mà chính tư cách của ông cụ Ngô gia cũng cao hơn ông cụ Khâu gia nhiều lắm. Có thể nói, về căn bản Khâu gia và Ngô gia không phải là môn đăng hộ đối. Một sự hợp tác không công bằng chỉ có thể kết thúc bằng một sự thâu tóm. Thật hoàn hảo, Ngô gia cũng không cần phải đánh Khâu gia, mà chỉ cần sau khi tung ra cành ô-liu, đã khiến Khâu gia phấn khởi mà tạo ra một sự đề bạt quan trọng tại một tỉnh phía nam. Sau khi có được sự nhượng bộ lớn như vậy rồi, Ngô gia lại giả bộ như mình không có lợi, quay lại vứt bỏ lời lời hứa hẹn với Khâu gia. Không chỉ có chuyện làm thông gia với nhau, mà chính sự đồng ý nhượng bộ tại tỉnh Yến lúc trước Ngô gia cũng không thực hiện nốt.
Khâu gia tức giận, đi tìm Ngô gia tranh luận phải trái. Lúc này lão đại Ngô Tài Hải mới lại thề thốt phủ nhận, nói là Ngô gia chưa từng có đề xuất cùng hợp tác với Khâu gia, khẳng định là Khâu gia đã nhầm lẫn rồi. Khâu gia gặp Ngô gia nhưng không nhất trí với ý kiến đó, lại thêm tức giận, sau đó bình tĩnh xem xét lại sự việc thấy rõ ràng có vấn đề gì đó.
Chắc chắn đó là sự tự quyết của Ngô lão Tam – Ngô Tài Giang.
Ngô gia tuy có thế lực to lớn nhưng trong lúc đó, ba anh em Ngô gia lại không hoà thuận. Lão đại Ngô Tài Hải rất chỉn chu, vốn được ông cụ yêu thích, có ý đào tạo ông ta thành người kế vị. Nhưng Ngô Tài Hải không đủ khéo léo, tuy có danh tiếng trong quan trường nhưng lại không đủ năng lực nên khó có thể đảm đương trọng trách. Cuối cùng, nhờ có ông cụ tích cực đào tạo mà ông ta mới lên được đến Bắc Kinh, mặc dù chỉ tới được chức Thứ trưởng.
Con trai thứ hai của Ngô gia là Ngô Tài Dương, bố của Liên Nhược Hạm. Vốn ông ta rất trầm tĩnh, suy nghĩ tỉnh táo nhất, trong quan trường vừa có danh tiếng lại có năng lực, là người có khả năng gánh vác trọng trách của Ngô gia nhất. Nhưng hôn nhân của ông ta lại có vấn đề: đầu tiên là ông ta từ chối đám hỏi mà ông cụ Ngô tìm cho ông ta, sau đó là chủ trương cưới Liên Tuệ Tâm là mẹ của Liên Nhược Hạm, khiến cho ông cụ nổi trận lôi đình, tức giận điều ông ta ra miền tây bắc xa xôi, khiến ông ta không bao giờ quay về nhà được nữa.
Sau khi Liên Tuệ Tâm sinh Liên Nhược Hạm, ông cụ Ngô mới từ từ bớt giận, cũng chấp nhận xuất thân của Liên Tụê Tâm, chủ yếu là vì Liên Nhược Hạm được ông cụ yêu mến như báu vật. “Yêu ai yêu cả đường đi” nên ông cụ chỉ còn một ít thành kiến với Liên Tuệ Tâm. Ông cụ vừa ý liền tính cách đưa Ngô Tài Dương quay trở về Bắc Kinh sau hai năm lãng phí, lại sắp đặt vào vị trí Thị trưởng, con đường làm quan tiếp theo sẽ vô cùng thuận lợi. Không ngờ lúc này lại có một sự thay đổi lớn: Ngô Tài Dương và Liên Tuệ Tâm ly hôn.
Thiếu chút nữa ông cụ bị Ngô Tài Dương làm cho tức chết!
Không nói bên trong đại gia tộc luôn muốn ít có ly hôn, mà ngay cả người làm quan cũng vô cùng chú trọng hình tượng: cho dù hôn nhân bất hoà, nếu có thể chịu được thì sẽ cố gắng chịu đựng, chứ kiên quyết không ly hôn.
Sau khi biết sự tình của Clinton, lúc đó chẳng phải Hillary đã nén giận, không ly hôn đấy sao? Nhân vật chính trị nếu không có khả năng chịu được sự bất hạnh trong hôn nhân thì làm sao có thể chịu được sự chèn ép và loại trừ trong quan trường được chứ? Khi Ngô Tài Dương cưới Liên Tuệ Tâm, ông cụ liền phản đối, chờ khi ông ta thật vất vả mới tiếp nhận, cuối cùng lại không ngờ rằng Ngô Tài Dương lại ly hôn.
Ông cụ thậm chí còn nói đoạn tuyệt với Ngô Tài Dương, ông ta lần nào tới cũng đều không được cha tiếp chuyện mà chỉ nói chuyện một mình.
Ngô Tài Dương bất động, chỉ còn biết mang Liên Nhược Hạm tới Bắc Kinh, sau đó quay về nơi xa xôi, tiếp tục làm Bí thư huyện uỷ. Sau đó không lâu, ông ta lại kết hôn. Lúc này thậm chí ông ta còn không thông báo với mọi người trong nhà.
Ngô Tài Dương tự ý làm theo ý mình khiến ông cụ xem ông ta như đã chết rồi, từ đó về sau không bao giờ hỏi đến chuyện của ông ta nữa. Điều đó khiến ông ta phải tự lo lấy thân, xem như Ngô gia không có người con trai là ông ta. Nhưng Ngô Tài Dương quả thật có tài, là người con trai thông minh nhất trong số ba cậu con trai Ngô gia. Bản thân ông ta không dựa vào ông cụ Ngô mà hoàn toàn dựa vào chính năng lực của mình, tiến liên tục từ Bí thư huyện uỷ đến Phó thị trưởng, tiếp đến là Thị trưởng, bí thư, Phó chủ tịch tỉnh, vài năm trước đã lên chức Bí thư tỉnh uỷ.
Mặc dù Ngô Tài Dương vẫn còn được hưởng phước từ thế lực Ngô gia, bởi vì cho dù ông cụ không âm thầm ủng hộ ông ta, nhưng với việc lên chức của ông ta, người ngoài vẫn nể mặt ông cụ nhà Ngô, vẫn có sự chiếu cố không ít thì nhiều dành cho ông ta, nhưng thật ra, chủ yếu vẫn là năng lực cá nhân của Ngô Tài Dương là chính.
Ông cụ đối với Ngô Tài Dương chính là vừa yêu vừa hận. Ông ta có ba con trai, về cơ bản lão Đại không có tiền đồ lớn, lão Nhị trên thực tế là người nối nghiệp tốt nhất, nhưng lão Nhị có thông minh, có năng lực, lại có cả sự khó lường, có khi tạo ra những tình huống mà người ta không thể tin được. Tuy nhiên ông ta lại là một người có cái nhìn tiến bộ, thêm nữa rất hợp trong quan trường, như cá gặp nước vậy
Đối với lão Tam, ông cụ nhà Ngô kết luận là chí lớn nhưng tài mọn: có con mắt tham vọng không có năng lực làm việc tùy theo hoàn cảnh. Lão tam Ngô Tài Giang khác hẳn với sự trầm ổn của lão đại Ngô Tài Hải và sự thông minh của lão nhị Ngô Tài Dương. Ông ta vừa có sự bình thản, vừa có sự thông minh, nhưng vẫn không kết hợp hoàn toàn cả hai ưu thế trên. Có thể nói: lúc cần trầm ổn thì ông ta lại ra vẻ thông minh nhưng thực chất chỉ là khôn vặt. Khi cần thông minh thì ông ta lại ra vẻ trầm ổn, rất có vẻ đóng kịch quá lộ liễu.
Cho nên ông cụ cố gắng yêu cầu Ngô Tài Giang nhiều lần, ép ông ta ở lại Bắc Kinh chính là muốn ông ta ở bên cạnh chăm chỉ rèn luyện vài năm để ông ta thay đổi được tính nết. Tôi luyện một chút có lẽ sẽ rất tốt đối với ông ta sau này. Lão đại là đỡ không đứng dậy, lão Nhị và gia tộc có quan hệ gần như xa cách. Giờ chỉ có lão Tam, mặc dù trong mắt ông ta hơi bất kham, nhưng dù sao cũng là người Ngô gia.
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Quan Trường - Quyển 3 |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Truyện chưa được phân loại |
Tình trạng | Chưa xác định |
Ngày cập nhật | 16/08/2021 14:58 (GMT+7) |