Trần Phong rộng lượng phất phất tay:
– Nói đúng thì có thưởng, nói sai rồi cũng không phạt. Gan lớn lên một chút, đừng có lề mề như đàn bà. Thanh niên trai tráng, quyết đoán tí đi.
Hạ Tưởng bĩu môi nhỏ giọng nói:
– Vốn dĩ là tôi rất quyết đoán đấy chứ. Nhưng mà vừa so sánh với Thị trưởng Trần thì đã thành ra bị so sánh đến không có quyết đoán nữa rồi.
Không khí đang từ đối chọi gay gắt trở nên thoải mái hơn rất nhiều. Trần Phong hiểu rằng mấy câu nói vừa rồi của Hạ Tưởng chỉ là để cho không khí dịu bớt đi trước đã, thầm nghĩ rằng thật đúng là không thể coi thường hắn được, nhìn bộ dạng hắn vừa rồi hồi hộp và e dè, có vẻ như khá là kích động và sợ hãi, nhưng kỳ thật trong lòng hắn thì rõ ràng là cố ý yếu thế, để mọi người thả lỏng tâm lý xuống.
Trần Phong bất chợt thấy hứng thú, nhìn Hạ Tưởng, trong cái nhìn đối với hắn càng thêm chờ mong.
– Địa thế thành phố Yến là Tây cao Đông thấp, phía Tây là Thái Hành Sơn. Không khí tươi mát từ trong núi thổi tới, trước hết phải đi qua phía Tây thành phố Yến rồi mới đến phía Đông. Cho nên dân cư ở bên phía Đông tự cho là cao hơn một bậc so với dân ở phía Tây, mà bọn họ lại không biết là, không khí mà bọn họ hít thở mỗi ngày đều là không khí còn sót lại sau khi dân cư ở phía Tây đã dùng rồi. Cho nên xét về góc độ sức khỏe, phía Tây mới là địa điểm đáng lựa chọn để ở lại sinh sống.
Mấy câu dạo đầu của Hạ Tưởng đã làm cho mọi người có chút mơ hồ không hiểu ra sao cả. Không phải là đang nói tới vấn đề cải tạo thôn Tây à, làm sao lại nói đến chuyện không khí? Đang lúc mọi người khó hiểu băn khoăn, Hạ Tưởng lại tiếp tục:
– Không khí sót lại này không chỉ chứa lắm tro bụi và tạp chất mà còn bao gồm rất nhiều các loại khí thải khác. Cụ thể là những gì thì cũng không cần trình bày rõ.
Mọi người vỗ tay cười to.
– Thành phố Yến là thành phố mới thành lập, công tác xanh hóa làm không được tốt cho nên đến mùa hè thì trên đường không hề có lấy một cái bóng râm, khắp cả thành phố tìm không ra được cây đại thụ nào có trên mười năm tuổi cả, tinh thần nhân văn lạc hậu nhiều lắm. Cho nên chính quyền thành phố cân nhắc một biện pháp là mở rộng sông Bách Tính. Đáng tiếc là sông Bách Tính không có trở thành lá phổi của thành phố Yến mà ngược lại lại là cái nôi nuôi muỗi của cả thành phố. Các chuyên gia và học giả đang ngồi đây cũng có thể rõ ràng, một dòng sông nhân tạo sâu chỉ tầm mười thước thôi thì tác dụng cải thiện không khí thật sự là hữu hạn. Theo dự đoán lạc quan của tôi thì có lẽ con sông Bách Tính dài đến vài km còn không có hiệu quả cải thiện chất lượng không khí thành phố bằng vài mẫu rừng xanh.
Dám đứng trước mặt Trần Phong mà chỉ trích sông Bách Tính vô dụng, là công trình chỉ mang tính tô điểm chứ thực tế lại hao tài tốn của thì chắc Hạ Tưởng là người đầu tiên ở thành phố Yến. Sông Bách Tính không phải là Trần Phong quyết định cho xây dựng, nhưng dù sao ông ta cũng là Thị trưởng thành phố. Cách nói của Hạ Tưởng thế này chẳng khác nào gián tiếp chỉ trích ông ta không ra gì. Có điều Trần Phong vẫn có vẻ mặt cười nhàn nhạt, tựa như những người khác cho rằng Hạ Tưởng nói rất đúng.
Hạ Tưởng biết rất rõ là Trần Phong cũng cực kỳ phản cảm với sông Bách Tính, cho rằng đó là kết quả của những ý tưởng nông nổi. Hắn nói sông Bách Tính chả có tác dụng gì lại gãi đúng chỗ ngứa của Trần Phong.
Những chuyên gia có mặt cũng có người chuyên môn nghiên cứu luận chứng sông Bách Tính, gật đầu tỏ vẻ tán thành ý kiến của Hạ Tưởng.
– Nếu sông Bách Tính không trở thành lá phổi của thành phố Yến được, thì thành phố cần phải có một lá phổi khác. Hiện giờ, thành phố Yến đang phát triển kinh tế với tốc độ nhanh. Dưới sự lãnh đạo của Thị trưởng Trần, quy định cải tạo nội đô để phát triển thành phố cũng đã được thực hiện hơn phân nửa. Chẳng những xây dựng nên rất nhiều khu chung cư mới, mà còn có không ít tòa nhà căn hộ – văn phòng và khu trung tâm thương mại. Có thể nói, hình ảnh một thành phố Yến tân tiến không bao lâu nữa sẽ hiện ra trước mắt chúng ta.
Hạ Tưởng không quên đội một cái mũ cao lên đầu Trần Phong. Hắn quả thật cũng bội phục tinh thần khai sáng của Trần Phong, đặt cơ sở kiên cố lâu dài cho thành phố Yến. Tiếp đó đề tài lại chuyển,
– Có điều, sau khi cải tạo nội đô lại gặp phải một vấn đề mới đó là bước tiến phát triển của thành phố Yến càng lúc càng lớn, rất nhiều xí nghiệp và nhà xưởng quy mô lớn lúc đầu ở vùng ngoại ô, giờ lại quây quanh nội thành. Ví dụ như những xí nghiệp lớn như sắt thép, dược phẩm, tuy rằng hiệu quả và lợi ích cao, nhưng gây ra ô nhiễm môi trường cũng tương đối nghiêm trọng. Theo kinh nghiệm từ những thành phố khác, xưởng sản xuất sắt thép và dược phẩm nhất định phải rời xa nội thành.
Câu nói sau cùng vừa dứt, những chuyên gia đang ngồi đó không hẹn mà cùng kinh ngạc a lên một tiếng, sau đó, châu đầu ghé tai thì thầm bàn tán với nhau.
Các doanh nhân cũng nhíu mày. Hiển nhiên là bọn họ căn bản không suy xét lâu dài đến như thế. Thật không ngờ. Xưởng sản xuất sắt thép và dược phẩm sẽ có một ngày phải chuyển khỏi nội thành!
Chỉ có Trần Phong và Tào Vĩnh Quốc nhìn nhau. Hai người đều mỉm cười hiểu ý.
Trong đám chuyên gia có một ông già đầu bạc nói:
– Cậu thanh niên, ánh mắt của cậu nhìn rất xa, cũng phân tích rất đúng. Nói tiếp đi.
Trần Phong cũng gật đầu nói:
– Như thế cậu nói tiếp xem, lá phổi của thành phố Yến nên làm thế nào bây giờ?
Hạ Tưởng cười gật đầu với đám chuyên gia, sau đó trả lời trực tiếp vấn đề Trần Phong nêu ra:
– Lá phổi của thành phố Yến ở ngay thôn Tây Lý.
Đám doanh nhân lập tức xôn xao, đều giơ tay muốn nói. Trần Phong ra hiệu bảo bọn họ im lặng rồi bảo Hạ Tưởng:
– Nói tiếp đi.
– Không khí trong lành từ trên núi xuống vừa lúc đi qua thôn Tây Lý. Nói cách khác, cũng đúng lúc phải đi qua xưởng sản xuất sắt thép và xưởng chế biến dược phẩm. Tôi nghĩ là dân cư xung quanh khu vực hai xưởng này thấu hiểu rất rõ mùi từ xưởng thép và nhà máy dược khó ngửi đến mức nào. Nếu đúng lúc gió tây bắc thì nhà nào cũng không dám mở cửa sổ cho gió thổi vào. Mùi gay mũi thậm chí có thể lan xa đến hơn một km. Xa hơn một chút, đến khu phía Đông tuy rằng không ngửi thấy mùi khó ngửi trong không khí nữa, nhưng trên thực tế, không khí vẫn còn ô nhiễm. Nói cách khác, nhà máy sắt thép và nhà máy dược chính là ở ngay đầu gió của thành phố Yến, cho nên đối với sự ô nhiễm không khí, bọn họ thực tế là tác động đến toàn bộ thành phố.
Trong hội trường lại một trận ồn ào xôn xao lên.
– Vị trí thôn Tây Lý nằm ngay giữa xưởng dược và nhà máy sắt thép, là vị trí cực kỳ mấu chốt. Nếu như xây dựng một công viên cây xanh ở ngay đây thì vừa lúc có thể trở thành lá phổi của thành phố Yến, tạo thành một bầu không khí vệ sinh, thiên nhiên trong lành cho nhân dân thành phố Yến. Cho dù là nhà máy dược và nhà máy sắt thép phải chuyển ra khỏi nội thành thì trong vòng ba đến năm năm cũng chưa xong được. Trong vòng ba đến năm năm, công viên cây xanh được xây dựng xong là có thể tinh lọc không khí vô số kể, mang đến bầu không khí trong lành khỏe mạnh cho nhân dân thành phố Yến.
Hạ Tưởng vừa dứt lời, ông già đầu bạc liền vỗ tay đầu tiên:
– Cậu còn trẻ mà đã có tâm vì dân vì nước hết sức chân thành. Thật là đáng kính nể!
Một gã thương nhân cục súc lúc này lại tức giận bất bình nói:
– Xây dựng công viên cây xanh ư? Không nhầm đấy chứ? Địa điểm tốt như thế không xây nhà mà bán lại còn đi trồng cây thì chẳng phải là lãng phí tài nguyên hay sao? Chủ ý này không thể thực hiện được, rõ là vớ vẩn!
Mấy doanh nhân khác cũng phụ họa, ầm ĩ hết cả lên.
Ông già đầu bạc phía đối diện lại không đồng ý với ý kiến đó.
– Phát triển thành phố, điều kiện tiên quyết là không thể hy sinh sức khỏe của nhân dân. Sau khi cải tạo thôn nội đô, cũng không phải xây tất thành phòng ở mới là tốt. Nếu như tất cả đất ở khu vực trung tâm đều là các căn hộ thương mại, tất cả mọi người chen chúc vào ở cùng một chỗ, không có công viên, không có chợ, không có xanh hóa thì đấy chẳng khác gì ổ kiến cả. Tôi tán thành ý kiến của đồng chí Tiểu Hạ.
– Công viên cây xanh thì ai đi xây? Xây rồi ai tới giữ gìn? Không những là chi phí xây dựng lớn mà về sau chi phí bảo trì hàng năm cũng kinh khủng. Trừ khi chính quyền thành phố quyết định cắt ra một khoản ngân sách. Mà ngân sách trước sau gì cũng phải đầu tư vào chừng vài trăm triệu. Khó khăn đây.
Một doanh nhân nói với vẻ vui sướng khi người ta gặp họa.
Chính quyền thành phố tài chính eo hẹp cũng không phải là điều bí mật gì đối với dân kinh doanh biết rõ nội tình, cho nên mới có câu nói vừa rồi.
Trần Phong cũng hỏi Hạ Tưởng với vẻ khá hứng thú:
– Phải đấy Tiểu Hạ. Thành phố thiếu tiền, nếu phải xây công viên cây xanh thì chẳng những không thu hồi được lợi nhuận chuyển nhượng quyền khai thác kinh doanh đất mà còn phải mất vào đó một số tiền lớn. Hai cái gộp vào như thế không chừng phải đến hơn trăm triệu. Cậu nói xem nên làm thế nào?
Hạ Tưởng liếc mắt nhìn Trần Phong một cái. Ông ta có vẻ như thành khẩn, kỳ thực rất giảo hoạt.
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Quan Trường - Quyển 2 |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Truyện chưa được phân loại |
Tình trạng | Chưa xác định |
Ngày cập nhật | 16/08/2021 14:58 (GMT+7) |