Cùng lúc với việc Bì Bất Hưu trực tiếp lướt qua mặt, không để ý đến Hạ Tưởng mà tìm đến Bành Vân Phong để nói chuyện thì đồng thời vào lúc đó người của Ủy ban Kỷ luật tỉnh tìm An Hưng Nghĩa để hỏi thăm. Trước đó thì việc này cũng đã được trưng cầu ý kiến của Tống Triêu Độ, khi Tống Triêu Độ nghe xong các đồng chí Ủy ban Kỷ luật báo cáo và xin chỉ thị công tác thì cũng đã gật đầu đồng ý.
Bởi vì người ra mặt xin chỉ thị công tác với Tống Triêu Độ chính là Chủ nhiệm Ủy ban Kỷ luật Lý Ngôn Hoằng.
Từ trước đến nay thì quan hệ giữa Lý Ngôn Hoằng và Tống Triêu Độ vẫn bình thường, nhưng lần gặp gỡ này lại tỏ ra thái độ cung kính để xin chỉ thị từ Tống Triêu Độ, hơn nữa cách nói chuyện cũng rất đúng trọng tâm khiến cho Tống Triêu Độ không có lý do gì để can thiệp vào quyền độc lập điều tra của Ủy ban Kỷ luật, vì thế đành phải gật đầu.
Việc An Hưng Nghĩa có vấn đề thực hay không thì Tống Triêu Độ cũng chưa suy tính đến, nhưng ông ta cũng rõ ràng được rằng Lý Ngôn Hoằng thể hiện thái độ tốt như vậy là do nguyên nhân từ đâu? Bởi vì tuy rằng Lý Ngôn Hoằng và ông ta có quan hệ bình thường, nhưng y cũng không muốn vì việc ở trong vấn đề An Hưng Nghĩa lại tạo ra điều gì gây khúc mắc với ông ta.
Lý Ngôn Hoằng là buộc phải theo trình tự để làm việc, y nhận được đơn thư tố cáo đích danh nên bắt buộc phải theo quy trình để xử lý.
Tống Triêu Độ rất khách khí tiễn bước Lý Ngôn Hoằng, đại khái ông ta cũng có thể đoán được ai là người thực sự đứng đằng sau bức màn. Việc này có phải liên quan đến thế cục đột biến của thành phố Thiên Trạch dẫn đến hai người khó chiếu cố lẫn nhau hay không thì khó mà nói, nhưng chắc chắn một việc đó là có người muốn khiêu chiến với địa vị của ông ta.
Lần trước có liên quan đến việc tin đồn Tống Triêu Độ phải rời khỏi tỉnh Yến thì phía sau lưng có bóng dáng một người, bởi vì nếu ông ta rời khỏi tỉnh Yến thì y sẽ có khả năng được thăng chức, thay vào vị trí của Tống Triêu Độ để quản lý tỉnh Yến. Cũng phải nói rằng việc y đứng sau bức màn tung ra những tin tức này cũng tạo ra được những tác dụng nhất định, lần này lại tạo ra cuộc điều tra với người mà một tay Tống Triêu Độ đề bạt lên thì mục đích là nhằm đả kích uy vọng của ông ta. Có thể nói sự tính toán của người này cũng rất chu toàn, đầu tiên là khiến Tống Triêu Độ ở trong tình trạng ốc còn không mang nổi mình ốc, không thể trong Tỉnh ủy ra sức ủng hộ Hạ Tưởng. Thứ hai là nếu An Hưng Nghĩa bị thẩm tra có vấn đề gì về kinh tế, bất kể là kết quả xử lý là tạm thời cách chức hay xử phạt thì vẫn là hình phạt, tạo ra vết đen trên mặt của Tống Triêu Độ.
Ghen tị, đây là sự ghen tị trắng trợn. Lúc kế hoạch lớn hợp nhất tài nguyên trong tỉnh Yến đã được hoàn thành, khi địa vị của ông ta trong tỉnh Yến ngày càng được củng cố thì là lúc có người đưa ra chính sách để làm suy yếu vầng sáng của ông ta, thật sự là rất đáng giận.
Tống Triêu Độ đánh một cái lên trên bàn, bởi vì dùng sức quá mạnh nên nghiên mực rớt xuống đất vỡ tan thành từng mảnh nhỏ.
Trần Thái Trung ở bên ngoài nghe được tiếng đổ vỡ vang lên thì hoảng sợ, cẩn thận nghe thật chăm chú âm thanh phát ra từ trong phòng trong một lúc, nhưng sau đó vẫn không dám bước vào mà lắc lắc đầu rồi quay trở về chỗ ngồi của mình. Y và Chủ tịch tỉnh Tống vẫn còn chưa tới mức độ có thể nghiên cứu tình trạng vui, buồn của lãnh đạo. Ngược lại, nếu là Hạ Tưởng thì vẫn sẽ gõ cửa đi vào, mặc kệ Chủ tịch tỉnh Tống tức giận đến cỡ nào thì cũng sẽ không nhằm Hạ Tưởng mà phát tác.
Hạ Tưởng, trong đầu Trần Thái Trung liền hiện lên hình ảnh của Hạ Tưởng, trong lòng y lại nổi lên một sự chua xót, chưa kể còn có cảm giác ghen tị khôn xiết.
Tống Triêu Độ chắp tay ở phía sau lưng, đi vòng vòng ở trong phòng, ông ta là Chủ tịch tỉnh nên cũng sẽ không có khả năng bị mấy thằng hề nhảy nhót mấy cái mà đã đả đảo được, tất nhiên, đối phương không phải là thằng hề mà là người rất có lai lịch.
Các thành phần trong ủy viên thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Yến rất phức tạp, cán bộ hàng không từ Bắc Kinh xuống rất nhiều, công tác cũng rất khó khai triển. Tuy nhiên, bình tĩnh mà xem xét thì cán bộ đại biểu của các thế lực gia tộc ở Bắc Kinh như Mai Thái Bình, tuy rằng thông thường vẫn là một mình đi một đường, nhưng bình thường cũng sẽ không chơi xấu ở phía sau lưng. Hoặc như Lý Ngôn Hoằng, tuy rằng y và ông ta có quan hệ bình thường nhưng y làm việc rất chú ý đến nguyên tắc, rồi như Cao Tấn Chu, tuy rằng phía sau lưng có thế lực khổng lồ của nhà họ Ngô chống đỡ nhưng cách làm việc cũng rất ôn hòa, không bao giờ vượt mặt và cũng không nhiều chuyện. Kể cả là Mã Tiêu, đây là dòng chính của nhà họ Phó, từ lúc Phó Tiên Phong rời khỏi thành phố Yến thì Mã Tiêu cũng trở nên khiêm tốn hơn rất nhiều.
Duy nhất có một người không phải là thế lực của gia tộc nhưng lại dã tâm bừng bừng, đó chính là Đàm Quốc Thụy, là phần tử không an phận nhất bên trong toàn thể các cán bộ lãnh đạo của tỉnh Yến.
Thật ra mà nói thì Phó Chủ tịch tỉnh muốn chống đối với Chủ tịch tỉnh thì phần thắng rất nhỏ, thậm chí phần thắng còn không bằng Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng với Bí thư Tỉnh ủy âm thầm giao đấu với nhau. Bởi vì quyền lực của Phó Bí thư Tỉnh ủy so với Phó Chủ tịch tỉnh thì lớn hơn, đồng thời sự khống chế của Chủ tịch tỉnh đối với Phó Chủ tịch tỉnh so với sự khống chế của Bí thư Tỉnh ủy và Phó Bí thư Tỉnh ủy ở một mức độ nào đó thì cũng lớn hơn một phần.
Nhưng sự tình thì cũng không thể vơ đũa cả nắm, mọi việc trong quan trường thì thường diễn ra theo thông lệ, nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt. Trường hợp cấp phó so chiêu cùng với cấp trưởng thì bất luận địa phương nào cũng đều tồn tại, tuy nhiên vấn đề bộc lộ ra không lớn. Hơn nữa, trong quan trường cái đáng sợ nhất ở chỗ là mình vĩnh viễn không biết rõ được thế lực đứng sau lưng người khác là ai, nói cách khác, bất kể là đối thủ hay là đồng minh của chính mình thì mình cũng vĩnh viễn không có khả năng thấy rõ hậu trường đích thực của người đó là như thế nào.
Nhưng cũng chính bởi vậy nên khiến cho trong chốn quan trường có rất nhiều trò chơi mà người ta phải đắm chìm trong đó, không thể tự kiềm chế được. Bởi vì, nếu đều có thể nhìn rõ rành mạch thì cũng sẽ không tạo ra cảm giác thần bí và có hi vọng có được những niềm vui bất ngờ.
Đàm Quốc Thụy chính là như vậy, liên quan đến lai lịch của y thì nghe đồn rất nhiều, ngay cả Tống Triêu Độ vào lúc hiện tại cũng không sao làm rõ được người đứng ở phía sau y rốt cuộc là ai. Bởi vì trong quan trường có rất nhiều sự tình cũng không thể hỏi, cũng không có khả năng biết được rõ ràng. Giữa người và người thì có những quan hệ bộc lộ ra ngoài, nhưng cũng có những quan hệ âm thầm khác. Ví dụ như quan hệ giữa ông ta và Hạ Tưởng thì ai cũng biết, nhưng Hạ Tưởng có một vị bố vợ ở tỉnh Tây làm Chủ tịch tỉnh thì số người biết việc này, ngược lại rất ít người biết. Hạ Tưởng lại có mối quan hệ cùng với nhà họ Ngô, việc này thì ngay cả người trong vòng tròn cũng chỉ biết một ít, nhưng cũng không biết chi tiết, nếu vậy người bên ngoài mà muốn biết được thì lại càng rất khó.
Mà Hạ Tưởng và Thủ tướng lại có mối quan hệ với nhau, nếu không phải Hạ Tưởng nói cho ông ta thì ông ta cũng không biết được. Bởi vì trong quan trường có rất nhiều sự tình mà chỉ có đương sự ở trong vụ việc mới hiểu rõ, Thủ tướng thì chắc chắn sẽ không nói, nếu Hạ Tưởng không nói ra thì không ai biết được.
Một Đàm Quốc Thụy có lai lịch không rõ ràng mà lại muốn khiêu chiến Tống Triêu Độ, khiêu chiến quyền uy của một Chủ tịch tỉnh thì đúng thật là một hành động khác người.
Quả thật, là Phó Chủ tịch tỉnh, tuy rằng là ủy viên thường vụ nhưng chức vụ là cấp phó thì dù sao vẫn là cấp phó, cùng với cấp trưởng mà so sánh thì sự khác nhau vẫn là rất lớn. Từ lúc Đàm Quốc Thụy tới tỉnh Yến đảm nhiệm chức vụ đến nay, mặc dù bên ngoài tỏ ra khá khiêm tốn, nhưng trên thực tế thì dã tâm của y luôn bừng bừng, luôn muốn làm ra một việc thật lớn.
Đàm Quốc Thụy so với Tống Triêu Độ thì trẻ hơn 5 tuổi, trong mắt người bình thường thì hơn kém nhau 5 tuổi xem như không có sự khác biệt, nhưng trong chốn quan trường thì 5 tuổi này chính là một cánh cửa, là một giới hạn có thể vượt qua được. Đàm Quốc Thụy tự cao là cán bộ được Bắc Kinh cử đến, lại tuổi trẻ, hơn nữa hậu trường của y lại nhiều lần ám chỉ rằng y có thể ngay trong tỉnh Yến tiến lên cấp trưởng, vì thế y luôn chăm chú nhìn vào vị trí của Tống Triêu Độ, cho rằng một ngày nào đó nhất định có thể thay thế được ông ta.
Ngay từ đầu thì cách làm việc của Đàm Quốc Thụy rất kín đáo, bởi vì các ủy viên thường vụ khác của tỉnh Yến trông bên ngoài đều nhìn giống như người bình thường, thật ra thì mỗi người đều khôn khéo, đều am hiểu sâu rộng đạo làm quan, do đó y phải thật cẩn thận để quan sát và phân tích lập trường của mọi người. Sau đó, trước khi việc hợp nhất tài nguyên thép thì có phong thanh tin đồn truyền ra rằng có khả năng Tống Triêu Độ phải rời khỏi tỉnh Yến, vì thế y liền động tâm, cho rằng cơ hội của mình đã tới.
Không nghĩ tới kế hoạch hợp nhất lớn này mặc dù trải qua nhiều trắc trở nhưng cuối cùng cũng được thông qua, điều này khiến cho uy vọng của Tống Triêu Độ bay lên độ cao không ai sánh kịp, cũng tạo ra những mất mát nhất định trong lòng của Đàm Quốc Thụy.
Nhưng Đàm Quốc Thụy cũng không thất vọng, so với Tống Triêu Độ thì y trẻ hơn, y vẫn cho rằng không cần phải đến độ tuổi Tống Triêu Độ mới chủ quản được một tỉnh. Nói đi thì cũng phải nói lại, chẳng có người cấp phó nào lại không nghĩ đến việc có một ngày lên làm chức trưởng, tuy nhiên vấn đề là biểu hiện ở mức độ bên ngoài của anh như thế nào mà thôi.
Không chỉ Đàm Quốc Thụy nhìn chăm chú đến vị trí Chủ tịch tỉnh, mà Tống Triêu Độ cũng hiểu được rằng Mai Thái Bình, Cao Tấn Chu, thậm chí Lý Ngôn Hoằng đều có đủ căn cơ, lý lịch và kinh nghiệm để trở thành Chủ tịch tỉnh. So sánh với những người trên thì Đàm Quốc Thụy có lý lịch kinh nghiệm nông nhất, nhưng biểu hiện của y lại bức thiết và mãnh liệt nhất.
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Quan Trường - Quyển 10 |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Truyện chưa được phân loại |
Tình trạng | Chưa xác định |
Ngày cập nhật | 16/08/2021 14:58 (GMT+7) |