Đã gần hai chục năm xa quê, tôi luôn nhớ lời cha dặn từ lúc mới bắt đầu khoác ba lô ra khỏi nhà: “Con ở mô, làm chi thì đến ngày ba mươi tháng tư âm lịch cũng cố gắng thu xếp công việc để về quê giỗ hợp kỵ cố can ông bà!”. Ngoài ngày tết, ngày rằm tháng giêng ra thì ngày giỗ hợp kỵ còn là ngày gặp mặt đông đủ mọi người trong đại gia đình tôi. Dù cho anh em con cháu tứ tán làm ăn khắp nơi nhưng cứ đến ngày này đều về thắp hương tưởng nhớ các cụ. Cha tôi là tộc trưởng, tôi là con cả nên trách nhiệm nặng nề hơn. Vì anh em, con cháu đông nên nhà tôi phải làm chiếc rạp trước sân để che nắng và bày biện hơn chục mâm cơm mời bà con chòm xóm và con cháu đến dự. Ngày giỗ tuy đúng vào dịp thời tiết nắng nóng, việc nhiều, ai cũng mệt nhưng vui đáo để. Cho nên, dù có xa cách mấy, bận đến mấy tôi cũng cố gắng về bằng được. Nếu năm nào không đưa vợ con về được thì tôi về một mình. Năm ngoái, đúng vào ngày giỗ ở quê thì tôi phải cùng đoàn cán bộ của cơ quan đi khảo sát xây dựng nhà máy thuỷ điện mãi trong Đắc Nông nên không thể về được. Tôi ngập ngừng gọi điện về báo tin này cho cha, mong cha đừng buồn. Cha tôi trầm tĩnh bảo: “Thôi, công việc của nhà nước thì cứ phải chấp hành cho nghiêm, chỉ có điều anh không về được thì kém vui!”. Tôi biết vậy nhưng làm sao có thể hoãn lại được chuyến công tác của mình một khi sếp đã điểm mặt chỉ tên.
Năm nay, con gái bận thi chuyển cấp, vợ tôi phải ở lại chăm sóc cháu nên chỉ còn tôi về đại diện. Năm rưỡi sáng tôi hăm hở dắt xe máy ra cổng, vợ tôi lễ mễ xách mấy thứ đồ mà nàng chuẩn bị tối qua để đưa tôi ra bến xe về quê. Vợ tôi giục tôi chạy nhanh ra bến kẻo muộn giờ xe chạy. Đường vắng, tôi vít ga trực chỉ hướng bến xe lao đi trong không khí mát mẻ của sáng sớm tinh mơ.
Chiếc xe khách máy lạnh dừng xịch ở ngã tư thị trấn. Một chiếc xe khác ngược chiều chạy qua làm đám bụi đỏ quạch vẩn lên mù mịt. Thấy chiếc xe dừng lại, đám xe ôm khoảng chục vị đang trú nắng dưới gốc cây gạo bên đường ào ra, bu kín lấy cửa xe. “Về mô?”. “Anh ơi về mô em chở?”. “Áo xanh của tau!”. “Bà bụng chửa của tau!”. “Đ. Mẹ thằng ni, ông áo trắng của tau răng mi lại cướp? Tau đập cho dập mặt bây giờ. Bác ơi, về mô để cháu chở cho mồ?”
Tiếng kêu mời tranh giành khách náo loạn, ầm ĩ cả một đoạn đường.
Chờ cho mọi người xuống hết, tôi bước ra ra khỏi xe. Hơi nóng hầm hập như chiếc lò rèn trước mặt phả vào người làm tôi thở dốc. Mồ hôi bắt đầu túa ra ướt đẫm áo pull. Một bàn tay vỗ nhẹ vào vai tôi kèm theo tiếng hỏi:
– Về mô anh ơi?
Tôi quay sang phải. Một gã đeo khẩu trang, đầu đội chiếc mũ bảo hiểm to lù lù bao quanh gần hết khuôn mặt. Ánh mắt đang nhìn tôi vẻ cầu cứu bỗng dưng thoáng chút ngạc nhiên rồi chùng xuống. Tôi không hiểu tại sao. Mà thôi, mặc kệ. Trời nắng như rang, đứng đây như tra tấn. Tôi hỏi nhanh:
– Về xóm Lụt bao nhiêu?
– Ba chục!
– Hai lăm đi không?
– Cũng được!
Gã xe ôm nói xong quay ngay vào gốc cây gạo lấy xe, nổ máy và đưa mũ bảo hiểm cho tôi. Hắn rỉn ga rồi lao đi. Nắng rát rạt. Hai bên đường cây cối rũ rượi, thê lương.
Đang đi trên đường đê cạnh bờ sông để về nhà tôi. Gã xe ôm quay lại ngập ngừng hỏi tôi:
– Chắc ông về ăn giỗ?
Tôi giật mình hỏi lại:
– Ừ, đúng rồi. Nhưng ông là ai?
– Toàn đây! – Gã vẫn cắm cúi chạy xe.
– Toàn nào? Toàn “Du” á? – Tôi uồm người ra trước mang tai gã hỏi to.
Hắn gật đầu. Tôi thẫn thờ buông nhẹ hai tay khỏi hông gã. Chẳng lẽ lại là Toàn “Du” đây sao?
Chiếc xe dừng ngay dưới gốc phượng trước cổng nhà tôi. Hoa phượng đỏ rực. Tiếng ve kêu inh ỏi. Tôi nhảy xuống quệt mồ hôi nhễ nhại trên mặt rồi bảo với gã:
– Ông bỏ mũ mão, khẩu trang ra rồi nghỉ cho mát tý đã rồi hẵng về!
Tôi nói vậy nhưng thực chất là muốn nhìn rõ mặt của gã, xem gã có đúng là Toàn “Du” như gã nói không. Gã cởi ngay chiếc mũ bảo hiểm và khẩu trang ra rồi nhìn tôi cười cười:
– Đã đúng là Toàn chưa?
– Toàn “Du”, đúng là Toàn “Du” rồi! Sao lại đến nông nỗi này hả Toàn?
Tôi kinh ngạc kêu lên. Đúng là thằng Toàn rồi nhưng trông nó bây giờ khác quá. Khuôn mặt đen cháy, gầy queo. Râu ria lởm chởm trông thảm hại vô cùng.
– Răng, lạ quá hả? Không nhận ra hả? Sáu, bảy năm rồi không gặp nhau thì phải khác chứ. Còn nhiều cái khác nữa đấy ông ạ. Thôi vô nhà đi kẻo ông bà già mong, tôi đi đây! – Toàn vừa nói vừa cười vẻ chua chát rồi định quay đầu xe nhưng tôi vội giữ tay lái lại.
– Khoan, khoan! – Tôi vừa móc ví vừa nói – Để tao gửi tiền mày đã!
– Tiền, tiền cái con khỉ, chở giúp nhau đoạn đường chớ có chi ghê gớm mà phải tiền với nong. Vô nhà đi! – Toàn vặc lại rồi đẩy tay tôi ra để quay xe.
– Toàn này – Tôi vỗ vai Toàn – lâu lắm rồi không gặp nhau, tình cờ gặp mày ở đây tao thay mặt gia đình mời mày trưa mai sang nhà tao giỗ các cụ!
– Thôi, thôi ông thông cảm, tôi không thể đến được!
– Tại sao?
– Thằng như tôi giờ dám vác mặt đi đâu đâu, ngại lắm, ông thông cảm cho!
– Mày gặp chuyện gì vậy?
– Ông không biết chuyện gì à?
Tôi lắc đầu khó hiểu.
– Chuyện dài lắm Thái ạ! Thôi thế này, tối mai xong việc tôi mời ông đến nhà tôi chơi, uống với nhau hớp nước rồi ta nói chuyện. Mà lâu rồi không biết ông có còn nhớ nhà tôi không đấy?
Tôi xẵng giọng:
– Mày toàn hỏi vớ vẩn. Sao lại không nhớ! Thôi thế cũng được, tối mai xong việc tao xuống nhà mày chơi. Tao vào nhà đây, cảm ơn nhé!
Tôi xách đồ đẩy cánh cổng bước vào nhà mà lòng trĩu nặng băn khoăn. Thằng Toàn nghe nói khá lắm cơ mà? Sao giờ lại đi làm xe ôm? Con chó vàng trong nhà thấy có người bất chợt lao ra sủa om sòm làm tôi bừng tỉnh. Nắng găm đầy mặt. Nắng hơ chín mấy tàu lá chuối rủ bên hiên nhà.
Tôi và thằng Toàn “Du” chơi thân với nhau từ bé. Chính xác hơn là chơi thân với nhau từ bé đến khi học hết cấp ba. Du là tên cha nó. Quê tôi thường gọi tên con đính kèm tên cha hoặc mẹ theo sau như một hỗn danh. Nhà tôi ở xóm Lụt, nhà nó ở xóm Tràng. Hai làng cách nhau một cánh đồng lạc chạy dọc bờ sông Lam. Mẹ Toàn làm nghề buôn bán vặt ở chợ nên từ bé hắn thường xuyên ra bán hàng giúp mẹ và đã bộc lộ năng khiếu là một đứa có nhiều mánh khóe, láu lỉnh để kiếm tiền bằng những chiêu độc. Hồi cấp hai hắn đã biết lấy cám và bánh đúc nhét đầy diều của những con ngan, vịt, gà cho nặng cân để bán. Có lần sang nhà chơi tôi còn thấy hắn còn lấy cả những con bu lông xe đạp nhét vào hậu môn của cả lồng ngan sau khi cho ăn cám và bánh đúc. Tôi trợn tròn mắt ngạc nhiên. Hắn nhếch mép cười tinh quái: “Hì… hì, bình thường thôi!”.
Lên cấp ba, trong khi đa số bạn bè cùng lớp còn đang phải ăn mặc lếch thếch, chân đi dép tông vẹt gót thì Toàn đã có xe đạp mi ni Nhật đi học. Quần áo phẳng phiu, túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền. Hắn đẹp trai, ăn nói dẻo quẹo nên khối cô bạn cùng trường chết mê chết mệt. Cánh con trai chúng tôi đều nuốt nước bọt thèm thuồng. Tôi còn nhớ hồi nghỉ hè, hắn đã dám cả gan đem mấy tạ vừng nhảy xe từ quê vào Sài Gòn để bán kiếm lời. Sau khi trở về, biết được giá vừng đen trong đó cao hơn vừng trắng rất nhiều nên hắn đã nghĩ ra cách mua vừng trắng về rồi lấy thuốc nhuộm tóc của Trung Quốc hòa vào chậu và nhuộm vừng trắng thành vừng đen phơi khô chở vào bán. Cho dù trí tưởng tượng của tôi có phong phú đến đâu cũng không thể nghĩ được những quái chiêu mà Toàn đã làm. Nhưng đó là chuyện làm ăn của hắn chứ còn đối với tôi nó chơi rất thân tình. Tôi rất quý hắn.
Hồi đó, gia đình tôi cũng rất vất vả. Cha tôi vừa nghỉ hưu. Mẹ tôi cũng vừa về nghỉ mất sức. Mẹ tôi xoay ra nấu chè đỗ đen gánh lên thị trấn bán. Ngoài giờ học, tôi thường nấu chè cho mẹ bán. Toàn đến chơi, thấy tôi đang hì hụi thổi lửa nồi chè hắn rỉ tai:
“Bây giờ đường đắt, nấu chè toàn bằng đường cả thì không có lời đâu, tao có cách!”
Tôi vồ vập hỏi bí quyết thì được hắn kín đáo hướng dẫn rằng một nồi chè chỉ nấu một phần ba đường thôi, còn lại thì phải cho mật mía vào. Mật mía ở quê rất rẻ. Tôi thắc mắc:
“Nhưng mật mía thì mùi lắm, người ta phát hiện được?”
“Mi ngu lắm, phải biết cách khử cho mất mùi mật đi chứ!”
Rồi tôi làm theo hắn. Tôi bí mật ra chợ mua một can mật mía về giấu kín. Đến khi nấu chè thì đổ mật ra nồi nấu lên. Đến khi mật sôi thì cho vào một cục vôi bằng đầu ngón tay. Bí quyết của thằng Toàn hay thật. Quả nhiên mùi mật bay hết. Thế là tôi áp dụng theo “sáng kiến” của hắn được mấy hôm thì bị mẹ tôi phát hiện ra và cấm tiệt. Mẹ tôi bảo:
“Kiểu ni chỉ có thằng Toàn ‘Du’ bày cho mi làm rồi. Đừng có ham giàu mà làm chuyện bậy bạ con ạ!”
Tôi van mẹ đừng nói chuyện này ra cho cha biết, nếu không thì rắc rối to. Thâm tâm tôi vẫn thầm cảm ơn thằng Toàn vì ít nhiều hắn đã dạy cho tôi những mánh khóe đầu tiên trong đời dù là vặt vãnh nhất để kiếm tiền. Những tưởng với một kẻ có nhiều kinh nghiệm buôn bán được tích lũy suốt thời học sinh phổ thông, Toàn sẽ đi lên ở chốn thương trường. Nhưng không, đời hắn lại ngoặt sang một lối rẽ khác. Lối rẽ đã đưa hắn đến với biết bao sóng gió cuộc đời, để hắn phải chịu những trò đùa dai dẳng của số phận.
Hết cấp ba, tôi vào đại học, Toàn đi nghĩa vụ quân sự. Thời gian cứ thế cuốn đi. Sau này mỗi đứa ở một nơi, đều có cuộc sống riêng nên tôi và Toàn cũng ít liên lạc dần. Tình cảm vì thế cũng dần nhợt nhạt. Mười mấy năm nay tôi không gặp hắn. Tôi biết vợ chồng hắn đều làm ở uỷ ban huyện. Hắn mua đất làm nhà trên đó. Cuộc sống nghe nói cũng ổn. Tôi mừng cho vợ chồng hắn. Định bụng một lúc nào đó về quê sẽ lên nhà hắn chơi nhưng cứ lần lửa mãi mà vẫn chưa thực hiện được. Mỗi lần về quê chỉ một hai ngày, vội vội vàng vàng như ma đuổi. Xong công việc là tôi lại phải ra thành phố ngay. Vợ tôi nói đúng: “Trông anh như con lật đật, lúc nào cũng tất bà tất bật. Ngồi chưa nóng đít đã nhổm đi. Kiểu này còn khuya mới giàu được. Rõ chán!”.
– Thế là hết! Đời tao giờ còn chi nữa mô hả Thái?
Tôi ngậm ngùi nuốt ngụm rượu đắng ngắt vào cổ. Khổ thân hắn. Mẹ hắn đã mất được năm năm rồi. Ông Du thì bị tai biến nằm bẹp trên giường hơn hai năm nay. Mấy đứa em cũng đi làm ăn xa cả. Ngôi nhà của vợ chồng hắn trên thị trấn từ hồi xảy ra cơ sự đành phải bán chia đôi, hắn về nhà cha mẹ ở. Vợ hắn cũng bỏ xứ đi rồi. Miệng ăn núi lở, tiền bạc cứ dần đội nón ra đi. Nỗi buồn thê thiết cứ đè nặng tâm trí tôi. Gió khuya thổi nhẹ làm mấy tàu lá chuối ngoài vườn khua rột roạt. Đàn muỗi cứ vo ve xung quanh người, thỉnh thoảng lại đốt tôi một mũi làm ngứa ngáy khó chịu. Mặc kệ. Đêm nay tôi quyết ở lại nhà Toàn để nghe hắn kể nốt cái quãng đời của hắn trong thời gian tôi và hắn xa nhau.
Toàn tự nhận hắn là người may mắn. Mà đời hắn cũng có lúc may mắn thật. Xuất ngũ với tấm bằng lái xe được học trong quân đội, hắn lơ ngơ vác ba lô về quê. Ban đầu hắn lái xe tải thuê chạy hàng tuyến Móng Cái. Sau đó, nghe bạn bè rủ rê thấy bùi tai, hắn phăm phăm vào rừng Buôn Gia Wầm trong Tây Nguyên để lái xe Reo chở gỗ lậu thuê. Làm nghề lái xe cho đám này kể ra cũng mạo hiểm thật, vất vả thật nhưng được cái lương cao. Mỗi cánh rừng sau khi bị hạ sát, hắn có nhiệm vụ đánh xe vào cẩu gỗ lên rồi chở ra bãi tập kết. Ngày lại ngày hắn cần mẫn làm việc.
Sau hai năm thì hắn đã trang bị được cho mình một bản lĩnh chai lì trước các tình huống xảy ra trong rừng như đụng độ giữa các nhóm lâm tặc hay những cuộc đánh xe tháo chạy hết sức ngoạn mục trước sự truy đuổi của lực lượng kiểm lâm. Công việc của hắn bỗng nhiên bị khựng lại vào một ngày mưa tầm tã. Hôm đó, hắn đang chở một xe gỗ lặc lè ra gần đến bìa rừng thì dính chấu. Mấy ông công an, kiểm lâm chợt xuất hiện trước mũi xe. Súng ống, roi điện tua tủa. Những ánh mắt sắc lẹm nhìn hắn chằm chằm. Hắn rơi vào tình thế hết sức nguy cấp. Tiến cũng không được mà lùi cũng chẳng xong. Hắn thấy mình lúc này như một con nhặng xanh bị mắc vào mạng nhện. Con nhặng sẽ bị chết nếu như không thoát ra khỏi tấm lưới khổng lồ này.
Sau mấy giây định thần, hắn đạp mạnh cửa ca bin nhảy xuống rồi cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng. Mặc cho bùn nhão bê bết người. Mặc cho gai cào xước mặt mũi chân tay. Mặc kệ tất. Hắn cứ chạy. Cuối cùng thì hắn cũng về được lán của mình trong rừng. Hắn kịp vơ vội mấy bộ quần áo ẩm mốc, hôi hám nhét vào chiếc túi du lịch. Còn hơn một tháng lương chưa nhận. Thôi, cho chúng mày luôn, tao xéo đây. Hắn tặc lưỡi. Vậy là hắn bỏ của chạy người. Hắn cắt rừng tìm đường tắt đi ra quốc lộ để bắt xe đò về Bắc, bỏ mặc những tiếng cưa máy đang ăng ẳng thét lên trong rừng sâu.
Đám sơn tràng kia vẫn chưa hay biết gì về sự việc xảy ra ở ngoài bìa rừng. Họ vẫn say sưa làm việc như những tên đao phủ đang hành hình những thân cây vô tội. Những thân cây cứ thay nhau đổ rạp. Lũ chim chóc kêu la thảm thiết, hoảng hốt đập cánh bay đi bỏ lại đằng sau mảnh rừng như cái đầu người bị phạt từng mảng tóc.
Toàn lại về quê. Có chút tiền trong túi cộng với cái mác đẹp trai, khéo nói, hắn xin được chân lái xe cho xí nghiệp gỗ của huyện. Hắn lấy vợ. Vợ hắn cũng là công nhân của xí nghiệp trông trắng trẻo, phây phây.
Sau gần năm năm ở xí nghiệp gỗ, chẳng hiểu Toàn quan hệ kiểu gì mà lại xin về được đội xe của ủy ban huyện. Phải nói rằng, Toàn tuy còn trẻ nhưng tay lái thuộc hàng cứng cựa nên cũng có tiếng hồi còn bên xí nghiệp gỗ. Có một vụ tai nạn xảy ra làm thay đổi cuộc đời hắn. Tay Sinh lái xe chở chủ tịch Uy đi liên hoan ở huyện bên về. Ban đêm đường vắng, Sinh mát ga mát số. Đột nhiên có chiếc xe máy chở hai thanh niên trong xóm lao ra. Sinh hốt hoảng đạp phanh nhưng không kịp. Một chết. Một bị chấn thương sọ não giờ ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Chiếc ô tô dập một bên mũi như vừa bị một cú đấm tạt ngang. Chủ tịch Uy mặt cắt không còn giọt máu. Sinh lập tức bị nghỉ việc.
Công an vào cuộc xử lý sự vụ. Vậy là cái tên Toàn ngay lập tức lọt vào mắt xanh của chủ tịch Uy. Chẳng bao lâu, với khả năng của mình, Toàn đã chiếm được cảm tình và sự ưu ái của sếp. Toàn tận tụy hết lòng cúc cung sếp. Biết giữ mồm giữ miệng, đặc biệt là biết cách chiều những sở trường, sở đoản và những thú vui của sếp. Toàn hiểu ý sếp nhanh chứ chẳng phải như gã Sinh lù khù kia. Chết là phải. Một thời gian sau thì Toàn cũng xin cho vợ vào làm nhân viên văn thư của uỷ ban huyện. Nghĩ lại Toàn mỉm cười vì cái số của hắn tưởng như chó đòi nhưng cuối cùng hóa ra lại đẹp như hoa. Bằng sự láu lỉnh của mình, hắn đã nhờ cái bóng của chủ tịch Uy mà làm được khối việc. Khối tay cán bộ các xã, hay cả huyện đều phải qua tay hắn để nhờ vả công việc, tất nhiên là phải có phần trăm. Đời sướng thế còn gì bằng!
Nói đến cái tên Lại Vũ Uy thì cả huyện Đông Lâm này ai ai cũng biết. Đơn giản, vì ông là chủ tịch của cái huyện vùng bán sơn địa này. Chủ tịch Uy có thân hình cao lớn. Khuôn mặt vuông vắn. Cái mũi hơi khoằm. Cặp môi dày. Lông mày rậm. Đôi mắt hơi bé. Vành tai cũng có thành có quách nhưng dái tai lại hơi nhỏ, không sệ. Mái tóc lấm tấm hoa râm được rẽ ngôi thẳng tắp trông ông mới lịch thiệp làm sao. Sau bao thăng trầm lận đận, con đường công danh của ông giờ đã rộng thênh thênh. Ông tự nhủ rằng, lên đến được chức chủ tịch huyện là đỉnh cũng cao muôn trượng. Ông cũng chẳng cần kê kích bon chen nhau để leo lên ghế cao hơn làm chi cho mệt. Đời ông thế là mãn nguyện lắm rồi. Cố thêm vài năm nữa đủ tuổi là hạ cánh an toàn. Về nhà vui vầy với gia đình, con cháu chứ sống trong cái môi trường luôn phải căng óc ra để giữ ghế này ông cảm thấy mỏi mệt lắm rồi.
Chủ tịch Uy có một sở thích đáng yêu là làm thơ và hay nói chuyện văn chương. Hễ gặp ai có máu me văn nghệ một tí là ông sà vào hàn huyên, tâm sự không biết chán. Lần nọ, ngành văn hóa huyện mời ông dự Hội nghị công tác ngành. Họ mời ông lên phát biểu ý kiến chỉ đạo. Ông say sưa nói. Cả hội trường im phăng phắc lắng nghe. Mọi ánh mắt đổ dồn nhìn ông hau háu như chực nuốt từng lời vàng ý ngọc của vị chủ tịch đáng kính. Lúc sắp kết thúc bài phát biểu, ông nổi hứng xin phép mọi người đọc bài thơ của mình mới làm để mừng thọ mẹ. Ông nhẫn nha đọc: “Sống tới tám mươi chẳng phải người/Mà là Tiên, Phật ở trên trời/Sinh được hai con là kẻ trộm/Trộm quả đào tiên kính dâng Người”.
Ông Uy đọc xong, cả hội trường vỗ tay rần rật tán thưởng. Ông nhìn xuống với cảm xúc lâng lâng sung sướng. Duy chỉ có tay Bái trưởng phòng văn hóa là cúi gằm mặt xuống bàn thản nhiên uống nước. Ông thừa biết nó là kẻ không thích ông nói chuyện văn chương. Ông vẫn còn nhớ tháng trước, tay Bái đã làm ông một phen bẽ mặt. Chuyện là khi đi giao ban về qua phòng Bái, ông ghé vào. Bái đang tiếp hai tay phó chủ tịch văn xã của hai xã sâu nhất huyện. Sau mấy tuần trà, nói vài ba câu chuyện, liếc thấy tờ báo “Văn nghệ” để trên bàn, ông với tay lấy xuống xem qua. Tợp chén nước xong, ông chỉ tay vào tờ báo rồi gật gù:
– Cái thằng cha “Văn nghệ” này thế mà hay đáo để. À, mà các cậu có biết “Văn nghệ” nghĩa là gì không?
– Dạ… thưa anh… – Mấy tay cấp dưới gãi đầu gãi tai ấp úng.
Chủ tịch nhìn khắp lượt rồi cười cười:
– Bất ngờ quá hả? Các cậu làm văn hóa mà cứ như gà mắc tóc vậy? Tôi mới chỉ hỏi thế thôi mà đã ngắc ngứ rồi. Đơn giản thôi, văn là văn học, nghệ là nghề. Nghĩa là văn học là một nghề. Hiểu chưa?
Hai tay cán bộ xã cười toe toét: “Thủ trưởng quả là sâu xa, vậy mà chúng em không nghĩ ra. Thủ trưởng tài thật!”.
Tay Bái cũng nhếch mép cười nhưng ánh mắt của nó như giễu cợt, kinh bỉ ông. Quái lạ, mình có nói gì sai đâu mà nó lại có cái kiểu nhìn mất dạy ấy nhỉ? Hay là nó còn tức ông việc hôm nọ nó lên xin ông ký duyệt kinh phí cho ngành văn hóa mà bị ông cắt bỏ đi một nửa. Thôi được, mày cứ chờ đấy thằng khốn ạ. Dân văn hóa mày là thâm lắm, tao biết. Có dịp tao sẽ cho mày biết tay tao. Không tài giỏi gì đâu, chưa đỏ đít đã đòi làm khỉ đột. Ông ném ánh mắt vào thẳng mặt tay Bái rồi lững thững về phòng.
Chủ tịch Uy kéo ngăn bàn háo hức lấy cái phong bì mà tay giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Tuế đang thi công công trình chống hạn của huyện mới biếu sáng nay. Nét mặt ông hân hoan khi cầm trên tay những tờ đô la mới cứng. Ông say mê ngắm nghía chúng và chợt nhận ra ông tổng thống Mỹ cũng đang nhìn ông cười hiền lành. Thằng cha này chơi đẹp đấy. Được lắm. Ông lẩm bẩm.
Có tiếng gõ cửa cắt ngang những giây phút sảng khoái của chủ tịch Uy. Ông cau mày cất vội xấp đô la vào ngăn bàn rồi hẵng giọng: “Vào đi!”. Một khuôn mặt xinh xẻo đang lấp ló ngoài cửa. À, thì ra là cô Hoa văn thư vợ thằng Toàn lái xe. Ông hơi ngỡ ngàng vì con bé dạo này xinh đáo để. Hoa ôm một xấp công văn đi vào tươi cười bảo ông:
– Chào chú ạ. Chú nhận giúp cháu một ít công văn ạ!
Hoa nhẹ nhàng để xấp công văn xuống bàn đứng chờ sếp xem qua. Ông Uy ngước mắt nhìn Hoa. Trời, đúng là gái một con có khác. Bẵng đi một thời gian không để ý, hôm nay trông Hoa thật tràn trề sinh lực, rừng rực sức sống như thể muốn đốt cháy cái tuổi xế chiều của ông. Ta phải ngắm con bé này một tí đã. Ông Uy mỉm cười rồi nhỏ nhẹ bảo:
– Cô Hoa pha cho tôi ấm chè rồi ngồi đây chơi nói chuyện một lúc. Lâu rồi tôi không gặp cô!
Hoa ngoan ngoãn “Dạ!” Rồi rót nước pha trà. Ông Uy bước sang bàn uống nước ngồi xuống hỏi han Hoa nhiều chuyện, cốt là để kéo dài thời gian ngắm Hoa. Tranh thủ lúc Hoa đang mải dạ thưa trả lời, ông Uy kín đáo liếc Hoa. Cô ấy có nước da trắng trẻo, khuôn mặt bầu bĩnh, mái tóc xõa ngang vai. Hoa bẽn lẽn cười để lộ chiếc lúm đồng tiền xinh xinh và hàm răng trắng đều. Chiếc áo ngắn tay mỏng của Hoa như khoe với ông hai cánh tay mũm mĩm và bộ ngực căng tròn ẩn sau chiếc coóc xê đen thẫm. Ông Uy lặng lẽ nuốt nước bọt rồi tươi cười nhìn Hoa. Ánh mắt ông thoáng chút ngây dại. Chà, thằng Toàn có phúc lấy được con vợ xinh thật. Ông lại thoáng buồn khi nghĩ đến bà vợ khọm của mình. Đã già, xấu lại còn bệnh với chả tật. Tiền bạc chẳng thiếu, thuốc thang đầy đủ mà bệnh vẫn hoàn bệnh. Ban đêm nằm cạnh cứ nghe tiếng tiếng thở khò khè, the thé như tiếng mèo hen mà phát khiếp lên được. Thực tình thì thỉnh thoảng thằng Toàn vẫn chở ông đi giải quyết khâu bí ở một địa chỉ hết sức kín đáo, bí mật. Vừa rồi cái nhà hàng đó bị công an phục kích bắt quả tang mấy đôi nam nữ đang mua bán dâm. Nghe vậy mà ông Uy sởn hết da gà. May mà hôm ấy mình ở nhà. Vô phúc hôm đó mà mò vào lớ ngớ bị tóm thì đứt cước chứ chẳng chơi. Thôi, đành phải tạm thời nhịn một thời gian để thằng Toàn đi kiếm một địa chỉ khác an toàn hơn vậy. Ông Uy tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Hoa bẽn lẽn nhìn ông cười rồi xin phép ra về. Ôi đôi mắt cô em mới lúng liếng làm sao! Ông Uy chết lặng người. Mắt dán chặt vào bộ ngực cứ phập phồng theo nhịp thở. Bản năng khát thèm trong ông trỗi dậy, ông đứng lên chìa tay ra trước Hoa, miệng lắp bắp: “Hoa về nhé!”. Hoa nhẹ nhàng đặt bàn tay mình nằm gọn trong bàn tay nải chuối của ông. Ôi, bàn tay mới mềm mại và ấm áp làm sao. Ông run lên. Bất chợt ông mạnh dạn bước sang xoay người ra sau ôm chặt tấm lưng tròn lẳn của Hoa. Cái cảm giác căng cứng như một luồng điện chạy dọc cơ thể khiến ông lâng lâng, người run lên bần bật. Hoa vùng vằng thoát khỏi vòng tay chắc như gọng kìm của ông. Cô hổn hển: “Đừng chú, chú bỏ tay ra, đi đi chú, anh Toàn mà biết được thì…”. “Thì sao?”. Ông Uy đang cọ chiếc cằm của mình vào gáy Hoa vội cắt lời. “Chết em mất!”. Hoa thả giọng nhẹ nhàng rồi dần buông lơi hai tay ra để mặc cho ông Uy tự do lần mò bàn tay lên cơ thể của mình. Ôi, hóa ra cái con bé này nó hiểu ý mình rồi. Ông Uy sung sướng thầm rên: “Hoa yên tâm, chỉ hai ta biết với nhau thôi, tôi sẽ tạo điều kiện cho Hoa, Hoa muốn gì tôi cũng chiều, Hoa nhé?”. Ông Uy như điên như dại trước tấm thân ngà ngọc của cô gái chỉ bằng tuổi con gái đầu của ông. Ông gắng sức hôn ngấu nghiến lên cổ lên má Hoa cho thỏa cơn say tình. Bất giác Hoa quay lại, vẻ mặt ngượng ngùng. Cô khẽ thì thầm: “Thôi em phải về phòng đây, hẹn lúc khác anh nhé!”. Hoa sửa lại áo rồi rón rén mở cửa bước ra khỏi phòng. Ông Uy ngồi ngả lưng trên ghế thở dốc, nuốt nước bọt ừng ực. Mắt ông lim dim nhớ lại những giây phút tuyệt vời vừa qua. Gương mặt ông toát lên vẻ mãn nguyện như vừa bước ra từ cõi thiên thai. Hừ, hóa ra lâu nay mình dốt thật, có vàng trong tay mà chẳng biết. Được, ta sẽ nghiên cứu chuyển thằng Toàn đi khỏi cái uỷ ban này để đỡ chướng mắt. Cho dù mày có khôn khéo, trung thành đến mấy. Bắt buộc tao phải làm thế. Mày phải chuyển đi nơi khác cho tao dễ bề đi lại với vợ mày Toàn ạ! Ông Uy đắc thắng mỉm cười.
Đã hơn hai giờ sáng. Sương rơi dơm dớp cánh tay. Hai chúng tôi vẫn ngồi giữa sân. Chai rượu đã hết queo nằm chỏng chơ trên chiếu. Đĩa lạc rang còn vài hạt lẻ loi trong chiếc đĩa mẻ. Tôi chỉ nghe hơi ong đầu chứ không say. Toàn vẫn ngồi bó gối hút thuốc, mắt nhìn xa xăm.
– Rồi sao nữa, mày kể tiếp đi! – Tôi giục Toàn.
– Mẹ kiếp, cuối cùng thì tất cả cũng nát bét như bãi phân trâu gặp mưa, kể cả tao. Tất cả đều phải trả giá cho số phận – Toàn cười khẩy – Đời chó má thật! Trước uy quyền của lão Uy và sự cám dỗ không thể cưỡng lại trước những tờ tiền đầy ma lực, Hoa đã phản bội tao để cặp với lão. Bọn chúng lao vào nhau như những con thiêu thân. Lão Uy thì khát tình còn con vợ tao lại biết lợi dụng lão để moi tiền. Nói chung là hai bên đều biết cách lợi dụng nhau để cùng có lợi. Tao để ý thấy Hoa có những biểu hiện bất thường. Cô ta thường lấy cớ đi thăm người này người nọ. Có hôm tao mở túi xách của Hoa thấy một cục tiền. Tao sinh nghi liền hỏi thì cô ta bảo là em đi vay giúp cho bà chị gái. Còn lão Uy, khi chưa đuổi được tao đi thì tự nhiên tao thấy lão luôn vui vẻ tươi cười với tao. Những lúc đi công tác thì tao phải lái xe chở lão ấy đi còn lại lão bỏ thói quen bắt tao phải chở lão đi ăn hay về nhà. Tao hỏi, lão bảo để anh tự đi xe máy cho thoáng và rèn luyện khả năng xử lý giao thông. Mẹ kiếp, bọn chúng làm sao đánh lừa được tao. Cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra. Tao đã bí mật theo dõi và bắt quả tang đôi gian phu dâm phụ đang quần nhau ở một nhà nghỉ huyện bên. Hai đứa trần truồng như nhộng quỳ dưới chân tao xin tha tội chết. Lúc đó tao điên tiết định cho mỗi đứa một nhát cho xong nhưng kịp bình tĩnh lại. Tao uất nghẹn nâng cằm lão Uy lên và bảo: “Tao không ngờ mày lại chó má hơn tao tưởng!”. Lão luống cuống sì sụp níu chân tao: “Chú Toàn, anh có lỗi với chú, mong chú tha tội chết cho anh. Anh sẽ bồi thường danh dự cho chú, bao nhiêu cũng được!”. Tao vẩy lão ra và đạp cho một nhát làm lão ngã ngửa ra nhà như con lợn cạo. Còn con Hoa, nó vội vàng vơ tấm áo che thân, ngồi co ro khẩn khoản nhìn tao. Tao chỉ gườm mắt nhìn nó chứ không thèm động đến chiếc lông của đứa lăng loàn. Hừ, đã thế thì ông cho mày biến. Tao quay về nhà và chiếc đơn ly hôn được viết ngay tức khắc. Tao và Hoa chia tay rất nhanh chóng. Đường ai nấy đi. Nhà bán chia đôi. Con theo mẹ. Tao về nhà cha mẹ ở. Một thời gian sau tao cũng viết đơn xin nghỉ việc ở cơ quan vì không muốn nhìn thấy mặt lão Uy. Nhìn đến lão là tao buồn nôn không chịu được. Nhưng bây giờ thì thôi rồi – Toàn chùng giọng xuống – tao cũng chẳng còn giận lão làm gì nữa cho tội.
– Tại sao vậy? – Tôi thắc mắc.
– Lão chết rồi, chết thảm lắm!
– Chết? Sao lại chết? – Tôi tròn mắt ngạc nhiên.
– Sau khi ly hôn xong, tao về nhà một thời gian rồi dồn hết vốn liếng và vay mượn thêm một ít nữa để tham gia vào đường dây buôn gỗ lậu. Trước đây tao quen một số tay trùm gỗ lậu hồi còn lái xe Reo. Được chỉ đường vẽ lối nên tao cũng thắng được vài vụ, qua mặt được công an, kiểm lâm. Số tiền kiếm được cũng kha khá. Tao tính làm cú chót kiếm chút vốn rồi chuyển nghề khác nhưng cũng chính chuyến đó tao bị dính đòn. Vụ đó tao lái cả một xe tải gỗ được nguỵ trang kỹ để chạy ra Bắc bán cho đầu mối ngoài đó. Khốn nạn cho tao là bị bọn thằng Thành “lé” chơi đểu. Vì ghen ăn tức ở trong việc tranh giành mối làm ăn nên bọn chúng đã gọi điện báo để diệt tao. Xe đến Thanh hóa thì bị bọn liên ngành phục kích bắt sống. Tao ngoài mất trắng số gỗ nhóm một còn bị xử mười tám tháng tù giam. Đời tao coi như tắt điện hoàn toàn. Mẹ kiếp, đen đủi quá! À, chuyện lão Uy chết hả? Sau khi ra tù về nhà tao nghe mọi người kể lại, lão Uy vẫn qua lại với con Hoa. Mẹ con nó thuê nhà ở riêng. Tối ấy hai đứa hẹn nhau ở nhà nghỉ. Con Hoa đến trước nằm chờ, lão Uy đi xe máy đến để hú hí. Nghe bảo lão uống phừng phừng rồi mới đi. Đến đoạn đường cua, do phải tránh chiếc xe đi ngược chiều, lão chói mắt và đâm vào đít chiếc công nông chở gỗ đang lù lù trước mặt. Lão vỡ ngực chết tươi, chiếc xe thì nát bét. Thiên hạ bàn tán xôn xao suốt cả năm trời. Tao thì hả hê vô cùng. Rốt cuộc nghĩ cho cùng lão cũng là kẻ đáng thương. Tưởng già rồi sẽ được hạ cánh an toàn về vui cùng gia đình ai ngờ lại nảy nòi ra cái thói dê cụ hóa ra lại phải chết tức tưởi. Cái chết của lão là cái chết ngu. Cái chết vì tình là cái chết bất thình lình mà, phải không mày? Ha… ha… – Thằng Toàn cười hả hê sảng khoái. Lần đầu tiên tôi mới thấy hắn cười một cách đã đời như vậy.
– Thế mẹ con Hoa bây giờ ra sao? – Tôi ngập ngừng hỏi.
– Sau khi lão Uy chết, chuyện con Hoa và ông chủ tịch luôn là đề tài tâm điểm của nhân dân bàn tán mọi lúc mọi nơi. Hoa dường như không chịu nổi dư luận bèn xin nghỉ việc, gửi con lại cho ông bà ngoại nuôi rồi đi vào miền Nam. Nghe nói làm công nhân chế xuất chế xiếc chi trong đó. Hừm, tao bây giờ trắng tay nhưng vẫn còn niềm an ủi duy nhất đó là đứa con gái lên chín. Một tháng tao đến thăm con hai lần. Nó xinh xắn như mẹ nó – Toàn ngập ngừng – nhưng cầu mong nó đừng có tính xí xớn như mẹ nó. Tao đang tính sẽ xin đưa nó về bên này để tao nuôi, để nó được ở cùng ông nội những năm tháng cuối đời!
Toàn nói mà giọng nghẹn ngào, đôi mắt hắn ngân ngấn nước. Những giọt nước mắt của thằng đàn ông lăn dài trên khuôn mặt cháy đen vì nắng gió, vì những quăng quật của cuộc đời.
Trời đã dần về sáng, hai đứa vẫn nằm gác chân lên nhau giữa sân như thuở nào. Toàn đã chìm vào giấc ngủ bởi những mỏi mệt bủa vây. Tôi ngồi nhỏm dậy xót xa nhìn hắn. Trong lòng trĩu nặng nỗi buồn. Thực tình lúc này tôi rất muốn làm một cái gì đó để giúp Toàn nhưng sức tôi có hạn, số tôi cũng quá bọt bèo thì làm sao có thể xoay chuyển số phận cho Toàn được đây. Tôi bất lực thở dài.
Tôi mở ví rút một ít tiền để xuống chiếu, lấy chiếc ly uống rượu đè lên rồi đứng dậy lặng lẽ ra về. Chút nữa thôi là tôi lại lên xe trở về thành phố để tiếp tục cuộc sống của mình.
Tôi rảo bước chầm chậm qua cánh đồng lạc để về nhà. Cánh đồng lạc xác xơ, bợt bạt vì những trận nắng kinh người thiêu đốt. Buổi sáng ở quê thật thanh bình. Dòng Lam vẫn dửng dưng chảy về hun hút xa xăm. Bên tai tôi vẳng đâu đây lời cha dặn: “Con ở mô, làm chi thì đến ngày ba mươi tháng tư âm lịch cũng cố gắng thu xếp công việc để về quê giỗ hợp kỵ cố can ông bà!”.
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Mùi vị quê hương |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Tâm sự bạn đọc, Truyện teen |
Tình trạng | Chưa xác định |
Ngày cập nhật | 16/08/2021 13:24 (GMT+7) |