Ngày ấy ở quê hay mất trộm vặt lắm toàn là đồ ăn được nào là con gà, buồng chuối, mấy quả cam mới bói… chung quy cũng chỉ vì. Bụng đói thì đầu gối phải bò. Bụng đói và nhạt miệng thì sinh lắm chuyện. Đói kém sinh lèm nhèm. Và mỗi lần như thế là thế nào nhà có đồ mất trộm lại chửi gióng giả. Ối trời ơi từ ngữ để chửi thì phong phú lắm. Nhưng chửi giỏi nhất lâu nhất phải là bà Diệu nhà bà ấy dù mất chỉ vài khóm măng tre không thôi thì bà ấy cũng chửi cả tuần trời. Cứ lúc nào rỗi rãi là bà ấy chửi còn định kỳ là vào lúc chập tối lúc gà vào chuồng lúc mọi nhà chuẩn bị bữa cơm chiều. Bà Diệu người nhỏ thó răng đen kịt mặt mũi lúc nào cũng nhăn nhó, nếp nhăn chạy khắp mặt bà như người da đen chơi xăm hình. Suốt ngày bà ấy bịt cái khăn vấn tóc bằng nhung đã bạc phếch cái quần đen bằng vải xa – tanh với cái áo cánh nâu cứ thế bà ra cầu ao cạnh gốc dừa một chỗ rất rộng và vọng một vị trí đắc lợi vừa quang quẻ rộng rãi vừa mát để cộng hưởng, khếch đại tiếng chửi của bà. Bà thường đứng chống một tay vào cây dừa hoặc vừa cầm cái chổi tre vừa quét quèn quẹt vừa chửi:
– Cha bố mồ mả thằng nào, con nào bắt gà của bà, cha bố mồ mả mày. Ở nhà bà nó là con gà về nhà mày nó thằng con hùng tinh đỏ mỏ nó cắn nó mổ người già người trẻ người lớn người bé nhà mày.
Ăn lông mọc lông, ăn da mọc mụn cha bố mồ mả nhà mày.
Bà Diệu người thì bé nhưng tiếng chửi vừa to vừa gióng giả bà lại biết ngân nga luyến láy tiếng chửi nên bà chửi cứ như người ta hát cho dù câu chửi của bà câu rủa xả của bà cũng chua ngoa độc địa chả kém ai. Bà chửi có bài có vở có lớp có lang vần điệu đoàng hoàng. Mất cáigì thì phải chửi theo kiểu ấy:
– Cha bố mồ mả nhà mày mày ăn thịt gà nhà bà thì thân mày mọc lông mồm mày mọc mỏ. Bà không chửi thì thôi bà mà chửi cho thì nhà mày chỉ có vàng cây héo lá, cơm không muốn nhá cá không muốn ăn, nhà mày cờ xanh cắm đầu ngõ cờ đỏ cắm đầu giường, vái lạy tứ phương rúc đầu vào quần bà chết này. Cha bố mồ mả mày.
– Bà chửi say sưa lắm chửi mà như hát lúc trầm lúc bổng lúc cao lúc thấp. Chả biết người ăn trộm măng, trộm gà có sợ hay lời chửi của bà không thiêng mà, măng với gà nhà bà vẫn bị mất. Có khi còn mất nhiều hơn như người ta lấy để trêu ngươi để cho bà điên lên mà chửi. Bà Diệu cũng là người khó tính bà chửi con trai bà thậm tệ làm cho con bà nhịn mãi không được phải vặc lại thế là bà lại chuyển sang chửi con. Cứ thế ngày nào bà cũng phải có cớ để chửi chửi nhiều mệt quá tiếng của bà xỉu dần rồi bà ngồi bệt xuống gốc dừa chỉnh lại váy áo ngồi nghỉ mệt để chửi tiếp một ca chửi của bà phải đủ cỡ ba tiếng mới đủ liều. Bà chửi giỏi đến mức trong làng có ai mất cái gì chửi lâu lâu một chút là người ta lại ví “ấy gớm thật chửi I như bà diệu chửi ấy”. Bà chửi như một thói quen chửi như người nghiện đến cữ. Tiếng chửi nhiều khi chua chát như chính cuộc đời của bà.
Trong làng còn bà nữa cũng chửi giỏi là bà Sen ăn mày. Ăn mày nhưng chửi giỏi bà chửi vì chủ yếu bị bọn trẻ chúng tôi trêu chọc bắt nạt. Bà Sen lúc nào cũng ăn mặc lôi thôi vừa hôi vừa bẩn quanh năm ngày tháng mặc cái quần vá chằng vá đụp cái áo mốc sì hôi hám. Cứ thấy bà đến là lũ trẻ con ùa theo hát trêu váng lên:
– Bà Sen ăn trộm trứng gà…
Bà Ba bắt được bẻ què đôi chân…
Bà ơi tôi ở đống phân…
Con ma nó bắt tôi lần về đây…
Thế là bà ta nổi xung chửi…
Mả bà chúng mày lũ mất dạy để tao về tao hỏi thằng bố con mẹ chúng mày không biết dạy con để chúng mày hỗn thế à…
Bà Sen thật ra hình như cũng có nhà cửa cẩn thận nhưng không hiểu phẫn chí cái gì mà bỏ đi lang thang ăn xin ăn mày. Bà cứ quanh quẩn ở vùng quê này lâu lâu lại đến người làng cũng không giàu có gì nhưng mỗi lần bà đến lại cưu mang một chút thành ra bà chỉ rách chứ không đói. Bà ăn mày nhưng cũng rất khoảnh. Đồ cho bà mà cho theo kiểu bố thí vứt cho là có chết đói bà cũng không nhận. Mà ai cho bà cái thì bà cũng cố làm lại cho người ta cái gì đó không nhiều thì ít. Bà chỉ ghét bọn trẻ con vì thấy bà ở đâu là chúng nó loẵng ngoẵng theo đuôi đọc vè trêu chọc. Mà đuổi bọn trẻ khó lắm quay lại đuổi chúng là chúng chạy té ra nhiều rồi lại rồng rắn theo sau. Suy cho cùng ngày ấy bọn trẻ chẳng có mấy trò vui người lớn đi làm đồng đi học nửa buổi còn nửa buổi tụ tập cùng nhau vớ gì chơi nấy nên trêu người cũng là trò vui chúng chẳng dại gì mà dừng ngay lại chúng phải trêu cho bà Sen thật cùn chửi càng to chúng càng vui thích, bà chửi đến khản cả tiếng ngồi phệt cả xuống đường có người lớn đi qua can thiệp thì chúng mới thôi. Những trò chơi tinh nghịch thuở bé này sẽ gây ra những thói quen tâm lý mà khi trưởng thành người ta sẽ nhận ra đó thật ra là những thói xấu.
Còn một người nữa cũng hay chửi quàng đó là mụ May. Mụ May là một người đàn bà hơi hơi tâm thần xấu xí suốt ngày lang thang ngõ này xóm nọ ai cho gì cũng ăn ai bảo gì cũng làm nhưng mụ lại thích chơi với trẻ con lũ trẻ thì cứ có gì vui là thích rồi chưa phân biệt được đó là lịch sự hay không. Mụ rất giỏi hát xuyên tạc bậy bạ chả hiểu mụ có dở người thật hay không. Nhưng những bài hát nổi tiếng bị mụ tự xuyên tạc hay người ta dạy mụ thì mụ học thuộc nhanh lắm. Nào là: Thanh niên quê tôi chỉ lấy vợ là nhanh, bảo đi bộ đội thì trốn sạch sành sanh bảo đi dân quân thì nộp đơn lên kiện… đấy đại loại như thế. Vui thì mụ hát vậy còn không vui thì mụ lại chửi quàng mụ chửi vừa bậy vừa tục nên những con nhà nề nếp thấy mụ ở đâu là đều lảng đi chỗ khác chỉ lũ trẻ là thích quây lại. Rồi sau một thời gian dài không thấy mụ May đâu nữa không biết mụ bỏ đi đâu hay bị bệnh mà chết rồi bọn trẻ thì vô tâm vắng mụ chúng cũng chẳng buồn chỉ có điều không có bài hát xuyên tạc nào mới để nhại lại nữa chúng đành nhại đi nhại lại những bài ngày trước của mụ.
Đấy một phần của làng một phần của tuổi thơ. Không phải tất cả đều trong lành đẹp đẽ. Có cả chửi nữa mới thành làng. Phải không các thím…
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Mùi vị quê hương |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Tâm sự bạn đọc, Truyện teen |
Tình trạng | Chưa xác định |
Ngày cập nhật | 16/08/2021 13:24 (GMT+7) |