Tiếng kem… mút đặc trưng của bác bán kem là một thứ âm thanh rất quyến rũ và quyền năng với bọn trẻ con. Là thứ mà chúng trông đợi nghe ngóng thèm khát trong hy vọng được ăn rình mút ké kem của ai đó. Khi có tiếng bạn quen réo lên. Ơi kem. Chú ơi. Kem…
Nhưng không mấy khi cái cảm giác thích thú ấy được đáp ứng. Tiếng rao của kem cũng là một thứ âm thanh đặc trưng được tạo ra bởi một quả bóng cao su to hơn nắm tay được nối với một cái phễu thuôn dài có gắn lưỡi gà. Thế là khi bác bán kem bóp mạnh hơi trong quả bóng xì ra theo cái lưỡi gà chạy ra đường ống dẫn hình phễu hóa thành tiếng chem… kéo dài còn khi ngừng bóp thì do lực đàn hồi của cao su nên quả bóng hút không khí đẩy ngược trở lại thành tiếng ut… nên người ta gọi tiếng kêu này là tiếng rao của bác kem mút.
Kem được đựng trong một cái thùng xốp cách nhiệt nằm trong cái thùng gỗ tạp vuông vuông nâu nâu xỉn xỉn. Có lót vải và đá để giữ lạnh những que kem được xếp thành từng lớp đầu cắm xuống còn phần có gắn que tre làm chỗ cầm thì nhô lên. Nguyên liệu làm kem có lẽ là cực kỳ đơn giản đó là nước, đường, phẩm màu và một chút hương liệu hóa học nên que kem giống như một que đá có màu sắc và cách ăn duy nhất chỉ là liếm và mút từ từ chứ không thể cắn nổi que kem rắn như đá có lẽ cũng vì thế mà nó được gọi là kem mút chứ không phải là một cái tên khác mỗi lần có được que kem đó là cả một niềm vui lớn chỉ một que kem mà cả lũ bạn phải lâu nhâu lóc nhóc chạy theo rồi khi cho bạn ăn cùng thì không khác gì là ban phát chỉ cho bạn được liếm nhanh một cái là đã cảm thấy sung sướng lắm rồi. Vị mát lạnh cùng vị ngọt thơm dù chỉ thoảng tí qua cũng đủ làm bõ công chạy theo và năn nỉ.
Sau này kem dần được nâng cấp lên không chỉ là phẩm màu và đường hóa học nữa mà có kem sữa kem đậu xanh nhưng ấn tượng về những que kem xanh đỏ thì vẫn còn vẫn theo mãi. Ấn tượng về que kem mát lạnh nhỏ nước long tong luôn là một ấn tượng thật ngon lành trong đầu những đứa trẻ quê ngày ấy.
Bây giờ nhiều lần ăn những loại kem hảo hạng sực nức mùi va – ni hương liệu gây thơm với đủ loại hương vị dâu táo những tiếng rao kem… mút và những que kem xanh đỏ chảy nước vẫn là một hình ảnh chẳng thể xóa nhòa trong ký ức của tuổi thơ tôi. Có lần sang Nhật ở cố đô Kyoto tôi ăn chiếc kem rất to có đến mấy vị trong chiếc kem nào trà xanh nào dâu nào socola, cốc kem to như cái phích con ăn sau thì lạnh toát hết cả người và chả còn muốn ăn gì nữa khi cơ thể không có nhu cầu về năng lượng và chất nữa thì tìm được cảm giác ngon miệng là một việc rất khó khăn. Cũng là ấn tượng và cảm giác ăn rất ngon nhưng so với những que kem mát lạnh của tuổi thơ thì vẫn không bằng.
Bây giờ ra quán kem có thể chọn đủ loại theo ý thích nhưng sự háo hức sự vui sướng khi cầm que kem trên tay thì đã mất đi rồi. Bây h ăn gì cũng phải tính xem có quá nhiều calo hay không? Sợ béo sợ to vòng bụng. Và quan trọng nhất cái cảm giác hồi hộp thích thú khi ăn kem cũng không còn nữa.
Muốn đổi được kem, ngày xưa phải lo tích trữ lông gà, lông vịt, lông ngan nhưng ngày ấy mấy khi mới giết ngan giết vịt. Nên ước mơ về que kem nó xa xôi lắm. Nếu có giết ngan, giết vịt sẽ cẩn thận gom đám lông ướt nhẹp lại. Tãi ra phơi khô trên chiếc sàng, còn cẩn thận phủ ít lá bạch đàn để chống gió thổi bay. Lông khô rồi gom lại nhặt sạch rác lẫn vào với chờ đợi tiếng rao. Kem… Mút. Để có được que kem để được rủ cái Liễu mút cùng. Còn cẩn thận bấm tay để làm cữ chặn chống mút tham. Que kem mút chung ngọt và mát có mùi chanh, mùi đậu xanh. Mặt hai đứa giãn ra sung sướng mãn nguyện lắm. Dòng nước kem lạnh bị tan nhanh chảy xuống tay là vội vàng mút cả ngón tay. Dòng kem ngọt mát của tuổi thơ ngày nào.
…
Có vui vui chỉ là chuyện đặt tên ở làng. Có những cái trùng hợp thú vị lắm. Như là zời xe, phật độ ấy. Nào là cặp chồng Chung vợ Thủy. Đầu làng thì có cặp vợ Hà chồng Bá. Giữa làng thì chồng Nụ vợ Cười. Cuối làng thì chồng Thân vợ Thiết. Xóm bãi bồi thì chồng Hải vợ Sản. Đôi cất vó bè thì chồng Sông vợ Nước. Ngay cạnh nhà thì có cặp đôi Hớn Hở. Xa tí nữa thì là chồng Sung, vợ Sắn. Giá mà là Sung Sướng thì còn vui nữa. Đặt tên cho con cũng rất vui. Nhiều nhà đặt tên con vì nhiều đứa nên đặt vui miệng lắm. Bố là Ao sẽ có một dãy tên như thế này. Ao, ước, nước, lên, xây, nền, tới, tấp. Nhà thì một dãy không chơi với phụ âm. Cứ nguyên âm mà ních.
Ân, ươm, ướm, uyên, ương toàn là bươm bướm bay. Khà khà. Làng thì to đấy nhưng cũng chỉ quanh quẩn có mấy giòng họ lớn. Nên cái chuyện đặt tên nó cũng nhiêu khê nhàu nhĩ lắm. Rỗi việc là người ta hay lôi cả việc đặt tên và việc đặt tên kiêng tránh húy ra sao. Cũng là một nét văn hóa nhưng nói thật cũng rách việc. Có nhà đặt tên cho thuận việc dễ gọi nhưng có nhà cũng cầu kỳ lắm. Dân dã thì cứ theo vần của bố mẹ mà giã. Nên mới có.
Thảnh, thơi, thời. Thế, thuần, thục.
Hay cả đàn cá như.
Chép, Trôi, Trắm, mè, dói, chạch.
Nhà thì toàn lông vũ với bay bổng.
Chim, chích, sáo, vẹt, Câu, Sẻ…
Có nhà đặt cái tên là mong mỏi vào sự thành công của con trong tương lai. Tên rõ là hay. Nhưng cũng tùy người mà làm nên. Như cu Trần Hùng Cường, Bùi Uy Vũ. Thì phải gọi là. Trần Trùng Trục hay Trần Như Nhộng mới đúng vì suốt ngày nó mặc cái quần đùi bé tẹo lặn ngụp vớt đất be bờ ao và đóng gạch. Được cái khỏe rượu nhà ai nhờ đi đào huyệt mộ là đi ngay.
Bùi Uy Vũ thì phải là Bùi như Lạc hay Bùi như Đỗ. Vì nó vừa trồng vừa buôn đỗ, lạc chuyên chửi vợ như hát hay đánh con như két mòng. Nhà bán thứ bùi thế mà chả ngọt bùi gì cả.
Cũng có tên những cái tên nó mang nỗi chua cay nó mang mối thù theo cái tên. Mà chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ. Chết cái người nhà quê hay nhìn mọi việc bằng con mắt phải nói là hẹp hòi có cái phần nào ảnh hưởng của tư tưởng nho gia, phong kiến lạc hậu và cổ hủ. Trọng nam khinh nữ. Nhưng người ta thường tự hào để đặt mình trong cái khuôn phép chật chội giả hiệu để mà tự hào. Để mà tự cho mình cái quyền phán xét việc của người khác. Chê bai người khác. Những người muốn thoát ra khỏi sự trói buộc ấy mà sống cuộc đời của riêng mình. Một cuộc sống khác với số đông. Người ta thèm muốn sự tự do phóng khoáng như thèm muốn sự đầy đủ vật chất thích giàu có như nhà anh Hợi vốt cô. Thích được ăn thịt gà nhả bã, giò chả cắn ngập răng. Uống bia Nhật như nhà anh. Nhưng lại ra vẻ thanh cao, thanh đạm và bất cần. Cố vui cố tự hào với cái lễ giáo và cái tôn ti trật tự mà họ tự chui vào rồi thắt chặt. Để rồi hậm hực đố kị, hậm hực ganh ghét. Chê bai bêu riếu những gì mà họ cho không phải đạo.
Họ chán những ông chồng của họ những ông chồng chuyên hút thuốc Lào vặt, uống nước trà bồm. Răng như bắp ngô bị nấm chỗ đen chỗ vàng. Mồm thối mù mịt. Nách hôi như chuột chù. Đánh bạc như chảo chớp chửi vợ như hát hay. Nhưng có ông nào sạch sẽ sáng sủa đi qua là tìm ra điểm xấu để chê bai. Họ lấy nỗi buồn của người khác làm niềm vui cho mình. Lấy niềm đau khổ của người khác qua góc nhìn thiển cận của mình chế biến nêm nếm để dìm cho người ta bằng chết bằng sự xót thương giả tạo. Sợi dây tình thương bao dung rộng lượng hình như bị đứt trong họ. Họ hằn học với cuộc đời và với chính họ. Như tên đứa bạn tôi. Nó tên là Hận. Chị nó tên là Uất. Để khi cần mẹ nó réo lên.
– Uất hận đâu? Có về mà hốc không?
Thường mẹ nó chỉ gọi một lần, rất to rồi câm lặng.
Mẹ nó người đàn bà đảm đang xinh đẹp một thời. Giờ sống lầm lũi và câm lặng như một con chó già. Luôn cau có và uất ức. Người mà ngày xưa bôn ba khắp các chợ trong vùng. Người đã từng cho tôi lần đầu tiên đi đò qua sông. Là người dạy tôi câu ca ghi nhớ những phiên chợ.
Một Dâu, Hai Mét, ba Ngà. Tư Cầu, năm Tráng sáu đà lại Dâu. Bảy Ngà, tám Mét, chín Cầu. Mười đi chợ Tráng. Một Dâu lại về.
Cô Hiền như cái tên của cô. Cô bán hàng xén ở các chợ phiên. Nhà cũng khá. Bao đám theo đuôi xin chết. Vậy mà cô chết lăn bố thằng Hận. Chết cái vẻ bảnh bao. Cái nụ cười kiểu nhếch mép như Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa. Hạnh phúc ngắn lắm. Những tưởng trai tài gái đảm thì sẽ Viên mãn. Ai ngờ. Bố thằng Hận giỏi giang đấy nhưng lại thoát ly ra tỉnh rồi học thêm gì đấy. Bao nhiêu của nả vốn liếng mẹ cu Hận dồn hết chăm chồng với cả yêu thương. Dù ở với bà mẹ chồng tác quái. Bà ấy goá sớm ở vậy nuôi bố thằng Hận. Khi lấy vợ về bà ấy như gà mẹ mất con. Cứ lồng lộn lên. Hành hạ con dâu bằng đủ chiêu trò của người đàn bà goá thâm độc và thủ đoạn. Bữa cơm của mẹ thằng Hận lúc nào cũng mặn vì nước mắt. Chả hiểu sao cô ấy vẫn lầm lũi và cam chịu. Đến người làng cũng không chịu được cái cách bà ấy đối xử quá quắt với con dâu. Mà thử hỏi mẹ thằng Hận sai cái gì mà bị đối xử như thế. Sai cái gì mà thu vén vốn riêng vốn tây về chăm lo nhà cửa nhà chồng. Bỏ chợ làm ruộng. Nấu nướng cơm nước, giặt giũ phơi phóng chứ chây lười gì. Đứa lớn đẻ ra cô đặt tên là Uất. Chắc là vì bà mẹ chồng.
Lúc cô chửa thằng Hận. Thì bố nó nghe mẹ ruồng dẫy cô. Rồi thậm thụt với cô nào ngoài tỉnh. Mẹ cu Hận ra mấy lần và lần nào cũng về với cái mặt sưng vù bảo bị ngã xe. Quê xa, anh em xa. Mặt mẹ thằng Hận cứ đanh lại. Nhưng không khóc nữa. Rồi đẻ đứa hai. Cô đặt tên là Hận. Thằng Hận bạn tôi bây giờ. Thương mẹ nó hay kể với tôi. Tôi về nhà lấy trứng gà cho cô. Vì cũng chả biết làm gì hơn. Bố thằng Hận về lừa mẹ nó ký cái giấy gì đấy rồi lấy vợ mới. Đem cả bà mẹ tác quái kia đi. Mẹ nó cũng không về quê ngoại. Dựng một gian hai chái. Lại chạy chợ nuôi chị em đó. Nỗi buồn trong bà luôn như chất chứa trong câu.
– Uất Hận ơi có về mà hốc hay không?
Giờ thì cô cũng đã đi rồi. Không hiểu dưới suối vàng cô có còn uất hận đến những người đã phụ bạc cô hay không?
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Mùi vị quê hương |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Tâm sự bạn đọc, Truyện teen |
Tình trạng | Chưa xác định |
Ngày cập nhật | 16/08/2021 13:24 (GMT+7) |