Ông Phúc nói xong quay vào, ông hội trưởng hội bảo thọ với bộ râu ngạnh trê vàng như râu ngô bước tới. Bây giờ đến việc của ông. Là người có đầy kinh nghiệm về khiêng cáng chôn cất, nên đám tang nào cũng mời hội trưởng hội bảo thọ đến điều khiển đội đô tuỳ. Ông phẩy tay ra hiệu như một nhạc trưởng, tức thì một hồi trống cái thùng thùng vang lên, đánh theo nhịp phát dẫn.
Hội trưởng hội bảo thọ đang định phát lệnh tiếp, thì bỗng ngoài sân mọi người đứng dạt ra, rẽ thành một lối, bí thư đảng uỷ Trịnh Bá Thủ và chủ tịch xã Trần Văn Sửu cùng năm người nữa tiến vào. Một nửa đội kèn làm nhiệm vụ dẫn khách tưởng đã hết người viếng, nên đã tản mát từ lúc nãy. Người thì đi uống nước người thì đi xả nước chuẩn bị tinh thần và sức lực để đưa cụ Cố ra đồng. Thành ra đoàn chức sắc quan trọng nhất, ông Phúc chờ đợi nhất, lại hoá ra được khổ chủ đón tiếp thiếu nghi thức nhất!
Hai anh em Phúc – Quý vội trở lại bên linh cửu để đáp lễ. Cặp mắt ba góc của ông Phúc cứng ra vì mệt, suốt ngày cứ nhịu nhíu cau cảu, giờ thấy Thủ và Sửu loé sáng lên. Mừng nhưng vẫn tức!
Hai cô nhân viên trong uỷ ban bê vòng hoa đi trước. Thủ mặc quần ka – ki, áo kẻ cộc tay đi chính giữa. Đoàn xếp theo hàng dọc như một tiểu đội lính đi sau. Đến trước linh cữu, Thủ đốt ba nén hương cắm vào bát hương, vái một vái. Phúc nhìn chằm chằm vào từng động tác của Thủ, bụng bảo dạ: Hắn chỉ đứng sống lưng và chỉ vái một vái chớ không phải ba như mọi người. Đây dứt khoát là sự cố ý. Biết thế!
Thủ đến bên Phúc, thay mặt đảng uỷ và uỷ ban nói những lời chia buồn rất trôi chảy lưu loát. Phúc nghiêng người đáp lại cặp mắt ba góc nhìn Thủ thầm bảo: Tôi biết là anh muốn nói những lời chúc mừng kia! Và ánh mắt của Thủ cũng đáp lại không vừa: Dù thế nào đi nữa lúc này ông vẫn rất cần sự có mặt của tôi! Đời là thế mà! Tạm thời thế thì phải thế. Phúc lại bụng bảo dạ, rồi quay sang hội trưởng hội bảo thọ nói nhỏ. Ông râu ngạnh trê liền huơ tay lên như một lão tướng, phát lệnh:
– Thân quyến tang chủ ra làm cầu ngồi xuống! Các tay đòn đô tuỳ chuẩn bị!
Ông Phúc bước xuống, đứng sẵn dưới giọt gianh. Hội trưởng hội bảo thọ vừa dứt lời, ông liền ngồi thụp xuống, quay mặt lên nhà. Tiếp đến là ông Quý, bà Sang, bà Lộc, bà Tài. Rồi các cháu chắt dâu rể, họ hàng nội ngoại. Người nọ tiếp người kia, thành một dãy dài. Tất cả cùng ngồi thụp, nhìn vào lưng nhau trên đầu khăn trắng xoá trông như một vạch vôi thẳng tắp từ bờ hè ra tận cổng. Theo tập tục, đó là chiếc cầu của con cháu đưa tiễn người quá cố là bậc trên mình ra đi được xuôi chèo mát mái.
– Chú ý! Sau ba tiếng trống đầu nâng trước, chân nâng sau. Đầu xuôi đuôi lọt. Chuẩn bị! – Hội trưởng hội bảo thọ hô lớn, rồi vung tay đánh ba tiếng trống dài. Tám thanh niên trong đội đô tùy chia làm hai, đứng hai bên áo quan đã cúi lom khom sẵn sàng. Tiếng trống thứ ba vừa dứt, cùng với tiếng hô Lên nào! Chiếc áo quan được nâng bật dậy. Đầu nâng cao ra trước. Tám thanh niên trai tráng mà phải bặm môi, vì những tấm dổi chắc quá, dày quá. Đám này áo nặng hơn người. Theo những bước chân sâu đo, chiếc áo quan lừ lừ trôi trên những mái đầu quấn khăn trắng xoá, nối nhau ngồi phủ phục. Cụ Cố đang đi trên cái cầu cuối cùng của tình máu mủ nơi trần thế để sang thế giới bên kia.
Tiếng kèn, tiếng nhị, tiếng trống cùng âm vang, rít xé lên nức nở. Khóc như ri. Người vòng trong vòng ngoài đầy sân, đầy vườn. Linh cửu đi tới đâu, cuốn theo những người chít khăn trắng trôi đi đến đấy. Ở nhà lúc này chỉ còn những người hàng xóm đến giúp việc bếp núc. Đào văn Quàng, em ruột lão Quềnh (tức là Đào văn Quang) người nhỏ thó, trông lụt cụt và khôn ngoan như con cò lửa. Quàng đi cùng ban quản trị hợp tác xã đến viếng từ trước đoàn của Thủ, giờ chưa biết tính nên ở hay nên về. Đang đứng lớ xớ bên đầu hồi nhà bếp, bỗng Quàng thấy một chiếc còng lợn chưa luộc, trắng hếu, không chân không cánh mà từ trong nhà bếp bay vọt qua cửa sổ, rơi đánh xàoxuống gốc cây hồng xiêm ở sát bờ dậu. Chắc chắn chỉ lát nứa là chiếc giò sẽ vượt biên sang nhà chủ bên kia. Và Quàng nghe đúng là có tiếng nhai xôi nhí nhóp trong bếp. Cái miệng phễu dầu của Quàng đang mủm mỉm cưới túm tó, thì bỗng có người kéo tay Quàng, vừa nói vừa thở:
– Bác Quàng, bác Quềnh đang gay quá, có khi nguy mất! Vâng, bác Quềnh đang ở nhà em, bác về ngay đi.
Đó là vợ ích, người đã thuê lão Quềnh đào đá ong sáng nay. Vợ chồng ích đang tích cóp chuẩn bị làm nhà. Khi phát hiện ra vỉa đá ong ở đồi ông Bụt, ích lập tức chiếm giữ khai thác ngay. Ở vùng này nhiều người đã khui được những mạch đá ong ăn chìm dưới đất rất kỳ lạ. Đá ong cấu kiện thành từng viên rời, to bằng những viên đá tảng kê cột nhà, vuông vắn như đẽo, xếp liền nhau tầng tầng lớp lớp.
Có người bảo thời nhà Mạc đã có thời kỳ định lập căn cứ địa ở đây. Vật liệu đã tập kết kha khá. Nhưng rồi đêm nằm chiêm bao thấy động, sáng dậy lại thấy gà mái gáy ke ke, thế là cha con bỏ của chạy lấy người, kéo nhau lên mãi Cao Bằng. Thành ra những vỉa đá ong này bây giờ ai vớ được làm móng nhà thì tuyệt vời.
Sáng nay khi lão Quềnh vác mai đến, thì ích đang ngồi chờ bên rổ khoai luộc. Tiếng là nhà có đồng ra đồng vào, nhưng vợ chồng ích có thói quen không bao giờ ăn sáng. Ngủ dậy chỉ có củ khoai củ sắn nhì nhằng rồi đi làm.
– Ta lót dạ tạm, rồi trưa ăn cơm một thể bác ạ!
Ích cười xoa xoa bảo lão Quềnh. Quềnh gật, với lão thì thế nào cũng xong. Cả việc trả công thế nào cũng được. Vì thế ai cũng thích mướn Quềnh. Ăn khoai xong, đi làm. Lão Quềnh đánh xà beng chan chát như một cái máy đào. Đá toé lửa khét lẹt. Vợ chồng ích chỉ lăng xăng chạy ngoài. Đến trưa đá ong đã xếp một đống cao ngất. Nghỉ tay đến bữa ích với lão Quềnh ngồi riêng.
Một cút rượu tăm với nửa cân thịt trâu. Đưa cay xong, lão Quềnh diệt gọn một nồi ba cơm. Buông đũa, súc miệng xong là lão đi làm ngay tắp lự, cần mẫn đến hơn cả chủ nhà. Lão lại thủ mai thình thịch như một cái máy khoan, rồi lão gánh gấp rưỡi vợ chồng ích, như một con lừa thồ. Đến gánh thứ mười thì lão kêu đau bụng. Mồ hôi hột vã ra đầm đìa.
Hai mắt lão tối lại. Lão định gánh một chuyến nữa, thì hai chân lảo đảo, rồi ngã vật ra. Vợ chồng ích cuống quít lên, chạy gọi thêm một ông hàng xóm nữa. Khi cả ba người cõng được Quềnh về nhà ích, thì lão đã mê man gần đất xa trời. Trong khi vợ ích đi gọi Quàng, thì ích và ông hàng xóm vội vã cõng Quềnh lên trạm xá.
Vừa trông thấy Quàng từ xa, ích đã lao bổ ra với bộ mặt vô cùng hốt hoảng:
– Chết đứt rồi bác Quàng ơi! Làm thế nào bây giờ? Không phải tại em đâu. Em không giục gì bác ấy đâu, làm được đến đâu thì làm. Không phải tại em…
Quàng nhịu nhíu bộ mặt nhỏ thó và sắc lạnh, cũ kỹ như một đồng xu đã bỏ, gắt lên với ích:
– Làm gì mà anh cứ rối rít tít mù lên thế! Bác ấy thế nào?
Ích vẫn nói như rên:
– Còn thế nào nữa, chết rồi! Bác ấy chết rồi!
Vừa cáng tới trạm xá, lão Quềnh liền thổ ra một đống máu, người nhũn như cây cần héo, hai tay bắt chuồn chuồn, hàm cứng lại, đôi vành tai cụp dính vào da đầu. Cánh tay gân guốc với những ngón xù xì đang chới với, đổ xuống. Lão tắt thở. Hai con mắt ngơ ngơ đờ dại mở trừng trừng như kinh ngạc, như không tin vào cái chết của chính mình.
Ích sợ quá, cứ luôn miệng rên rỉ:
– Nhà tôi không cho bác ấy ăn cái gì độc hại cả. Tôi với bác ấy cùng uống rượu, cùng ăn cơm với nhau, thế mà sao giời lại bắt tội thế này!
Y sĩ trạm trưởng hỏi nguyên do, rồi kết luận rất quả quyết: Quềnh bị vỡ dạ dày vì ăn quá no rồi làm việc nặng ngay. Quàng đứng lặng nhìn thi thể thẳng cứng của người anh khốn khổ trong bộ quần áo vá. Một luồng sóng của tình huyết thống phả vào Quàng. Mặt nóng rực. Hai vai nặng trĩu.
Luồng sóng đi dần dần xuống người, xuống chân, rồi tan ra theo tứ chi. Quàng quay lại hỏi nhỏ ích:
– Anh lấy đá ở đồi ông Bụt à?
Ích gật đầu mà mắt thì bạc ra lo lắng, tưởng mình phạm thêm một lỗi gì. Nhưng Quàng lại lẩm bầm như nói một mình:
– Có khi ma đồi ông Bụt lại bắt bác ấy như ngày xưa. Ma vẫn nhớ mặt bác ấy!
Ích cũng như sực nhớ ra, vỗ đét vào đùi:
– Thôi chết, đúng rồi! Em quên mất! Sáng nay bác ấy bảo tối hôm qua ma đến chơi nhà bác ấy! Những hai mẹ con! Vợ chồng em lại cứ đùa: Ma mồ gì, hay bác lại vớ được món nào rồi! Đói vàng mắt ra lại còn rừng mỡ! Đúng là các ngài lên gọi bác ấy đi rồi!
Ích thở phào, lòng trút được gánh nặng.
Quàng quyết định chôn cất ông anh mình thật nhanh. Con ma keo kiệt trong người Quàng đã xui Quàng làm một việc táng tận: Hắn chôn ông anh bằng bó chiếu. Quàng, ích, Thó và một anh hàng xóm nữa đào một cái hố ở chính đồi ông Bụt, nơi xưa nay không ai đặt mộ, vì ở đây rất nhiều mối. Nhưng Quàng bảo, thôi thì chết đâu chôn đấy. Làm thế là chiều theo ý các ngài dưới đó, để các ngài khỏi quấy quả. Bốn Người khiêng Quềnh bó trong chiếc chiếu hoa của Quàng mang đến, đi lặng lẽ trong bóng chiều chạng vạng. Tiếng trống đám cụ Cố ông Phúc phía cuối làng vẫn thì thùng vọng lên. Theo tuổi cụ Cố, lúc này mới được giờ hạ huyệt. Khi nấm mộ cụ Cố đã đắp xong, vuông thành sắc cạnh, ông trưởng phường bát âm lại chống cây gậy dán giấy đỏ, theo động tác chèo thuyền, cùng con cháu cụ Cố rồng rắn đi vòng quanh một lượt hát bài tiễn biệt cuối cùng: Bây giờ con giã biệt cha. Ì ơi… đầy nhà cháu chắt cũng là giã ông! Tiếng kèn giật lên nức nở. Lại than, lại khóc vang vang cả cánh đồng.
Trên này mộ lão Quềnh cũng đã đắp xong. Xong sớm nghỉ sớm! Ích lấy đòn đập bàm bạp mấy cái vào hai bên sườn mộ, rồi cả lũ cùn cụt kéo nhau ra về. Thó là người rút sau cùng. Thó vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết của lão Quềnh. Mới đêm qua mình với lão còn bá vai nhau vừa đi vừa nốc rượu. Mùi mồ hôi rất nặng, mặn khét của lão vẫn như còn lởn vởn bên người Thó. Thế mà nhằng một cái. Mạng người thật chẳng là cái thá đếch gì!
Thó đốt cả nắm hương còn lại cắm lên nấm cỏ tròn như cái mũ đặt chốc giữa mộ. Chợt nghe tiếng lạo xạo, Thó quay lại nhìn thấy một người đàn bà cao, gầy, dáng lam lũ, hai gò má nhô lên sạm nắng. Một nốt ruồi rất to mọc ngay dưới đuôi con mắt như hạt đậu đen. Vai đeo chiếc tay nải màu nước dưa. Người đàn bà nhìn Thó, cặp môi khô mấp máy:
– Tôi mới quay lại chiếc lều của ông ấy thì được biết…
Thó như bừng tỉnh. Những chuyện ma mồ từ xa xưa lập tức sững dậy. Thó hốt hoảng, môi run lên lật bật:
– Chị là… Bà là…
Vừa hỏi, Thó vừa bước giật lùi. Được mấy bước, Thó quay cổ vùng chạy. Đúng là chạy như ma đuổi! Lao cả vào những bụi gai xấu hổ ngã lăn chiêng, lại vùng dậy chạy. Vừa chạy, miệng vừa A… a! A… a! Như người câm hoảng loạn.
Người đàn bà đứng sững chẳng hiểu ra làm sao. Chị quay lại, cúi xuống đưa bàn tay cóc cáy bóp bóp một hòn đất trên mộ lão Quềnh. Một giọt nước mắt hiếm hoi chắt ra từ cặp mắt khô của chị rơi xuống. Đây là giọt nước mắt duy nhất rỏ trên mộ lão Quềnh! Chị khóc cho người mới gặp tình cờ chị khóc cho con, chị khóc cho mình!
Sáng nay ăn cơm xong, chị ôm cái xác lạnh cứng của đứa con trong bọc chăn lên bến xe phố huyện. Một ông lái xe khách phát hiện ra, đã lu loa lên như cháy nhà. Người ta xúm đen xúm đỏ lại. Công an đã đưa chị vào đồn. Rồi không biết nghe khuyên can thế nào mà chị đồng ý cùng các đồng chí công an đưa chôn đứa trẻ ở sườn đồi bạch đàn gần đấy.
Không còn xác đứa con, thế tức là trong tay không còn vũ khí, nên chị thôi không về để móc mắt cặp vợ chồng phụ bạc kia nữa. Đi lang thang quanh quẩn với bộ mặt cô hồn, cuối cùng chị lại quay về chiếc têu đã trú tạm đêm qua, thì được nghe đám trẻ trâu kể về cái chết của lão Quềnh. Thế là chị lần tìm đến nơi, mà chính chị cũng không biết mình đến để làm gì.
Đêm ấy bà Đồ Ngật đi ăn cỗ bên kia sông về, khi qua ngã ba chợt thấy có ánh lửa lờ mờ trong lều lão Quềnh, rồi thấy loáng nhoáng đúng là bóng đàn bà, thế là ba Đồ chạy te tái đến thở ra đằng tai. Đến mấy ngày sau bà vẫn mắt tròn mắt dẹt kể ồn ĩ là bà đã hai năm rõ mười nhìn thấy con ma mặc áo cánh quần thâm, đầu tóc rũ rượi hiện lên ở lều lão Quềnh. Lại đến lúc các cô các ngài về đấy!
Nhưng lúc này chẳng ai còn hơi đâu nghe chuyện ma của bà Đồ. Có người còn nói phũ là cái nhà bà quen ăn quà như mỏ khoét này, đến hàng tháng nay mồm miệng đến mốc ra như hang cua vì phải nhịn thèm, giờ được đánh rượu vào thế là mắt nọ sọ mắt kia, nhìn người ra ma, trông gà hóa cuốc! Điều cả xóm Giếng Chùa quan tâm, bàn tán ầm lên là cái chết trăm phần trăm của lão Quềnh. Người ta cứ túm Thó và ích để hỏi Quềnh chết thế nào, chôn cất ra sao. Trong lúc Thó kể Quềnh chết không được tắm rửa, vẫn mặc bộ quần áo đẫm mồ hôi nằm bó trong chiếu rồi buộc túm hai đầu lại, thì ích lại ra sức giãi bày về sự vô can của gia đình mình khi thuê mướn Quềnh.
Còn Quàng thì lẩn biến như rắn mồng năm.
Hôm sau nữa dân làng lại xôn xao lên về một tin sốt dẻo: Ông chủ tịch huyện đã đánh xe về gặp bí thư Thủ và chủ tịch Sửu. Xong việc, vù ngay, chứ không ở lại để nhấc lên đặt xuống như mọi khi. Ông về vì có đơn tố cáo từ Giếng Chùa gửi lên. Người đệ đơn không ký tên, mà chỉ ghi là Một nhân chứng trung thực. Người ấy kể về việc lão Quềnh bị chôn bằng bó chiếu và lên án đó là việc làm dã man trong thời buổi này, mà lại chôn dấm chôn dúi như một việc vụng trộm: Vậy thì Đảng ủy, ủy ban và ban quản trị hợp tác xã coi việc nghĩa tử là nghĩa tận của nhân dân thế nào? Sự quan tâm đối với những người cô quả ra sao? Người viết đơn nói ngân quỹ của xã không phải là nghèo. Một bữa cơm thường khi họp Đảng ủy, khi họp hội đồng nhân dân, khi tiếp mấy anh điện cao thế là có thể chôn được mấy người như lão Quềnh một cách tươm tất! (Thật là đồ xỏ xiên! Thủ lẩm bẩm, Đầy đủ tiền để chôn cả họ nhà hắn nữa đấy!) Cho nên nếu huyện không có biện pháp nghiêm khắc với những người chủ chốt ở đây, thì người viết đơn nói, sẽ tố cáo lên tỉnh, lên Trung ương, lên báo lên đài kể nhiều việc bê bối khác nữa. (Đúng là cái thư đâm bị thóc chọc bị gạo! Thủ lại lẩm bẩm).
Nhưng rõ là cái kẻ tố cáo kia đã đánh trúng huyệt ông chủ tịch huyện. Vốn là ủy viên thư ký, sau một thời gian đi học đào tạo giờ trở về với cương vị cao nhất về mặt chính quyền, bởi vậy vị tân chủ tịch rất không muốn có những việc rối ren trong khu vực mình quản lý. Chủ tịch huyện đã chỉ trích những người lãnh đạo ở xã quan liêu, tại sao xã ở gọn thế này, làng nọ sát làng kia, đầu xã tới cuối xã không quá năm cây số mà mấy anh lại không biết những gì diễn ra ở dưới dân chúng.
– Việc này sẽ phải kiểm điểm, nếu cần phải kỷ luật Đảng tay Quàng, cái thằng keo kiệt uống nước cả cắn. Còn y sĩ trạm xá thì càng ngày hắn càng đúng là một tên bạch vệ vô chính phủ! Sắp tới cô Vi đi học về chúng tôi sẽ thay – Bí thư Trịnh Bá Thủ bật y như một cái lò xo. Thủ nói tiếp với giọng rin rít:
– Còn giọng điệu cái đơn này thì tôi biết là của ai rồi. Họ mượn cái chết của ông Quềnh để đánh chúng tôi đây. Trong lúc tất cả đang đói nhao lên, thì họ làm ma ông bố đến mấy ngày. Hương khói, kèn trống, ăn uống linh đình, tốn kém bạc vạn. Ý thức đảng vừa kém lại vừa hợm hĩnh khoe khoang! Chúng tôi chưa sờ đến đấy!
– Ai thế?
Chủ tịch huyện hạ giọng khi thấy Thủ nói như muốn gây gổ với cái người vắng mặt đó.
– Tay Phúc chứ ai! Cái đơn này đích thị là của Vũ Đình Phúc! Từ hôm mất chân đảng ủy đến giờ lão ấy cứ lồng lộn lên.
Chủ tịch xã gật gù đồng tình:
– Đúng, đúng là của Vũ Đình Phúc.
Thủ bổng trở nên bình tĩnh đến mát mẻ, bởi Thủ chưa biết sự yêu ghét của đồng chí chủ tịch mới ra sao. Chỉ nghe nói đồng chí ấy là người mềm mỏng, không thích những gì quá khích. Thủ hạ giọng:
– Đấy là những người cùng cánh với Vũ Đình Phúc. Hoặc là có họ hàng, hoặc là đã được ông Phúc bao che dạo ông ấy làm chủ nhiệm. Sau khi trượt Đảng ủy, những người phe cánh của ông Phúc đã đi vận động ráo riết để ông ấy trúng hội đông nhân dân. Hôm bầu hội đồng, cả họ hàng nhà ông ấy cứ sùng sục như muốn ăn tươi nuốt sống ai! Chả là họ nhà ông ấy to vẫn quen cái thói lấy thịt đè người! Chúng tôi biết một số người trong hội đồng cứ khăng khăng bầu ông ấy làm phó chủ tịch là vì đã bị họ hàng nhà ông ấy mua chuộc. Vì thế để tránh bè phái, tránh mất đoàn kết nội bộ thường vụ chúng tôi kiên quyết chỉ để ông ấy làm trưởng ban kiểm soát. Các đồng chí ở trên ấy hãy ủng hộ chúng tôi. Đồng chí mới về chưa hiểu hết cơ sở, chứ bác Luân bí thư và các anh trong thường vụ trên ấy chẳng còn lạ gì nhân sự dưới này.
Chủ tịch huyện rít một hơi thuốc, giọng khảo khảo:
– Chúng tôi có nhận được đơn khiếu nại của ông Phúc về việc phân công này. Ông ấy có đề nghị được gặp anh Luân và tôi, nhưng chúng tôi chưa bố trí được. Tôi mới về chưa hiểu hết, nhưng thấy xã này từ sau đại hội Đảng bộ và bầu hội đồng nhân dân lại đâm ra rắc rối quá. Nhưng thôi, việc ấy bàn sau. Giờ phải tìm cách dẹp cho yên cái pha này đã.
Thế rồi sau một hồi bàn bạc. Ba người đã đi đến một quyết định dữ dội như sau: Xã chi tiền mua một bộ áo quan để chôn cất lại cho lão Quềnh? Thủ nói phải kiên quyết thế mới bịt được những cái mồm xấu hay xúc xiểm. Vậy thì lão Quềnh được ưu đãi hay lão phải chết hai lần? Chôn xuống rồi lại moi lên là điều xưa nay người ta cấm kỵ. Nhưng lão Quềnh ơi! Đã được nằm trong bộ áo quan, nghĩa là được chết bình dẳng như những cái chết khác, lão phải vui lòng nhận thêm một sự vất vả khi đã nhắm mắt xuôi tay. Nghĩa là lão phải hy sinh một lần nữa để cứu danh dự cho những người khác đấy! Sứ mệnh của lão thế mà to! Thôi thì đại xá cho cái sự khôn ngoan của người đời, lão Quềnh à!
Xã đã nói là xã làm. Ủy ban thuê mấy anh thợ đấu mỗi người ba ngàn, tương đương với bốn cân gạo để làm cái việc mà sau này dân làng gọi là đội cảm tử: Moi xác lão Quềnh lên rồi chôn lại. Thó cũng được cánh thợ đấu vời vào ban tang lễ kỳ dị này.
Đảng viên Đào Văn Quang, tức Quàng hiện giờ bị bí thư gọi đến xạc một trận tơi bời về hành động bạc đãi người ruột thịt của mình. Quàng sụt sịt nhận khuyết điểm và xin được lo an táng lại cho Quềnh, nhưng Thủ gạt phắt:
– Thôi thôi xin đủ! Chúng tôi không cần đến cái thứ hối hận của anh! Để anh bỏ tiền ra, rồi bọn xấu bụng kia lại làm đơn kiện chúng tôi à! Bây giờ việc của anh là bàn với mấy ông thợ đấu lo sao cho tốt. Đừng để chúng tôi phải gọi anh lên lần nữa đấy!
Quàng lủi thủi về, bàn với Thó và cánh thợ đấu rằng để tránh ồn ào, tránh sự nhòm ngó bép xép của đám trẻ con, tránh phải đèn đóm ban đêm, đội cảm tử sẽ thực thi nhiệm vụ vào sáng sớm.
Vì thế bước sang ngày thứ tư kể từ hôm lão Quềnh chết, trời còn nhập nhòa tranh tối tranh sáng, bốn người đã khiêng chiếc quan tài màu đỏ cùng với Quàng đi cun cút như nhạy ra đồi ông Bụt. Rồi san, rồi bới. Đến khi hở chiếu bốn người cùng dừng tay nhìn nhau. Ông thợ đấu cao tuổi nhất quyết định:
– Bác Quàng xuống đi, buộc dây vào hai đầu chiếu, chúng tôi ở trên này kéo lên.
Khi cái bọc chiếu từ từ được lôi lên, một luồng khí lạnh cùng với một thứ mùi khăm khẳm của tử khí mà chỉ cần ngửi thấy một lần cũng đủ kinh sợ hàng năm trời, từ dưới lòng hố phả lên, khiến tất cả cùng rùng mình ớn lạnh. Ông thợ đấu cao tuổi nói lầm bầm như khấn:
– Tạ vong linh bác Quềnh, sinh có nhà, tử có mồ. Hôm nay chúng tôi sửa sang lại chỗ ở cho bác đây. Bác sống hiền thác lành, phù hộ độ trì cho anh em liền khúc ruột, cho hàng xóm láng giềng chúng tôi.
Rồi cái bọc chiếu âm ẩm như thấm nước được mở ra, một làn hơi mỏng như khói bay lên, mọi người cùng kêu ôi trời! Thó bỗng run bắn lên, chân tay lẩy bẩy, hai hàm răng khua vào nhau cầm cập. Mắt Thó cứ tối lại trước cảnh toàn thân lão Quềnh trương phình lên, nước thấm ra dấp dính như cá ướp, mặt như phù thũng, to và phùng phịu như đọng đầy nước. Đến khi đặt Quềnh vào áo quan, mấy ông thợ đấu phải vừa ấn vừa ép người Quềnh uốn cho vừa, làm bật ra những tiếng lóp bọp, thì Thó xây xẩm mặt mày, ruột gan cuộn lên thốc tháo. Thó ôm lấy nghe ho rũ rượi.
Hàng tuần sau nghĩ lại việc này, Thó vẫn sởn da gà.
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Mảnh đất lắm người nhiều ma |
Tác giả | Nguyễn Khắc Trường |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Truyện xã hội |
Tình trạng | Truyện đã hoàn thành |
Ngày cập nhật | 10/10/2021 14:26 (GMT+7) |